Bán phá giá là gì?

...

Bán phá giá là hiện tượng khi một quốc gia (hoặc doanh nghiệp) xuất khẩu một sản phẩm ra nước ngoài với mức giá thấp hơn giá được bán ở thị trường nội địa của nước xuất khẩu.

Bán phá giá
💡
Có hai hình thức bán phá giá: Bán phá giá chớp nhoáng (hay bán phá giá độc quyền) và Bán phá giá không độc quyền.

Để chống lại hiện tượng bán phá, hầu hết các quốc gia đều sử dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá lên hàng hóa nhập khẩu.

Biện pháp chống bán phá giá còn có thể là các hạn ngạch nhập khẩu hoặc kết hợp giữa hạn ngạch nhập khẩu và thuế chống bán phá giá.

Bán phá giá là một thuật ngữ được sử dụng trong thương mại quốc tế. Bán phá giá xảy ra khi một quốc gia hoặc doanh nghiệp xuất khẩu một sản phẩm ra nước ngoài với mức giá thấp hơn giá được bán ở thị trường nội địa của nước xuất khẩu.

Cụ thể, nếu một sản phẩm của nước A bán tại thị trường nước A với giá X nhưng lại được xuất khẩu sang nước B với giá Y. Nếu giá Y thấp hơn giá X thì sản phẩm đó được xem là bán phá giá từ nước A sang nước B.

Các hình thức bán phá giá

Bán phá giá gồm hai loại:

Bán phá giá chớp nhoáng hay bán phá giá độc quyền

Là hình thức bán phá giá tạm thời để tăng sức cạnh tranh, loại trừ đối thủ. Khi đã đạt được mục đích thì mức giá sẽ được nâng lên ở mức giá độc quyền.

Phá giá độc quyền là hành vi vi phạm thô bạo nguyên tắc cạnh tranh vì bản chất của nó là hành vi nhằm tiến tới độc quyền. Phá giá độc quyền làm hủy hoại cạnh tranh và là nguyên nhân trực tiếp gây ra những bất ổn về kinh tế.

Bán phá giá không độc quyền. HÌnh thức này được chia thành hai loại:

  • Bán phá giá bền vững: là xu hướng bán sản phẩm ra thị trường nước ngoài với giá thấp hơn giá nội địa nhằm cực đại lợi nhuận của nhà sản xuất, xuất khẩu.
  • Bán phá giá không thường xuyên hay còn gọi là phá giá chu kỳ: là hành vi bán phá giá để tránh rủi ro của thị trường thế giới và giải quyết vấn đề khó khăn cấp bách về tài chính của doanh nghiệp. Đây là hình thức phá giá mà nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm giải quyết hậu quả của việc sản xuất quá dư thừa hàng hóa.

Nguyên nhân bán phá giá?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bán phá giá của nhà sản xuất, xuất khẩu. Nhiều trường hợp việc bán phá giá có mục đích không lành mạnh nhằm đạt được những lợi ích nhất định như:

  • Bán phá giá để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường từ đó chiếm thế độc quyền;
  • Bán giá thấp tại thị trường nước nhập khẩu để chiếm lĩnh thị phần;
  • Bán giá thấp để thu gom ngoại tệ.

Đôi khi việc bán phá giá là việc không mong muốn do nhà sản xuất, xuất khẩu không thể bán được hàng, cung vượt cầu, sản xuất bị đình trệ, sản phẩm lưu kho lâu ngày có thể bị hư hại … nên đành bán tháo hàng hoá để thu hồi một phần vốn.

Biện pháp chống bán phá giá

Biện pháp chống bán phá giá là tất cả các biện pháp mà nước nhập khẩu có thể sử dụng để chống lại hiện tượng bán phá giá sau khi có kết luận cuối cùng khẳng định có việc bán phá giá gây thiệt hại.

Trong hầu hết các trường hợp, các quốc gia sử dụng biện pháp áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu, bao gồm thuế phần trăm trên giá trị sản phẩm hoặc thuế cố định trên mỗi đơn vị sản phẩm.

Biện pháp chống bán phá giá còn có thể là các hạn ngạch nhập khẩu hoặc kết hợp giữa hạn ngạch nhập khẩu và thuế chống bán phá giá.

Trong giai đoạn trước khi có kết luận điều tra cuối cùng về vụ việc, các biện pháp tạm thời sẽ được áp dụng để hạn chế thiệt hại. Biện pháp này thường được thực hiện khi vụ điều tra có kết luận sơ bộ cho rằng có việc bán phá giá gây thiệt hại.

Biện pháp tạm thời thường được thực hiện dưới các hình thức thuế tạm thời hoặc một khoản bảo đảm / đặt cọc (bond / cash deposit).