Bảng cân đối kế toán là gì?

...

Bảng cân đối kế toán (Balance sheet) là một phần của Báo cáo tài chính, cung cấp thông tin về tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp ở một thời điểm xác định.

Bảng cân đối kế toán
💡
Bảng cân đối kế toán là một phần trong báo cáo tài chính.

Bảng cân đối kế toán phản ánh thông tin toàn cảnh nguồn lực tài chính của doanh nghiệp.

Tổng Tài sản = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu.

Bảng cân đối kế toán là một phần trong báo cáo tài chính doanh nghiệp, phản ánh tổng quát toàn bộ tài sản hiện có cũng như nguồn vốn để hình thành các tài sản của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định.

Có thể ví bảng cân đối giống như một tấm ảnh chụp nhanh và toàn cảnh nguồn lực tài chính trong doanh nghiệp. Để khi người quản lý nhìn vào có thể nắm được toàn bộ tình hình sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp.

Có gì trên bảng cân đối kế toán?

Bảng cân đối kế toán được chia làm hai phần: phần tài sản và phần nguồn vốn. Phần tài sản bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Phần nguồn vốn gồm có các khoản nợ phải trả, và nguồn vốn chủ sở hữu.

Trong phần tài sản: Các tài sản được sắp xếp theo trật tự tính thanh khoản giảm dần, những tài sản có tính thanh khoản cao được sắp xếp ở vị trí đầu bảng và giảm dần khi di chuyển xuống dưới.

Trong phần nguồn vốn: nguồn vốn được sắp xếp theo thời hạn hoàn trả. Do vậy các nguồn vốn được sắp xếp theo trật tự từ nguồn vốn nợ đến nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn nợ bao gồm nguồn vốn chiếm dụng và nguồn vốn vay.

Nguồn vốn nợ sắp xếp theo trật tự lần lượt là: Các khoản nợ ngắn hạn, các khoản nợ trung và dài hạn.

Công dụng và các hạn chế của Bảng cân đối kế toán

Công dụng

Bảng cân đối kế toán giúp người đọc có cái nhìn tổng quát về tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp.

Bảng cân đối kế toán có thể giúp người dùng trả lời các câu hỏi như:

  • Tài sản doanh nghiệp được hình thành chủ yếu từ vốn chủ sở hữu hay vay nợ.
  • Liệu doanh nghiệp có đủ tiền mặt và tài sản ngắn hạn để trang trải các khoản nợ của mình hay không?
  • Liệu doanh nghiệp có mắc nợ nhiều hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành hay không?

Hạn chế

Bảng cân đối kế toán chỉ phản ánh số liệu tại thời điểm lập báo cáo tài chính (đầu kỳ, cuối kỳ), vì vậy nếu chỉ dựa vào số liệu trên bảng cân đối kế toán sẽ khó đánh giá sự vận động của các loại tài sản và nguồn vốn trong cả thời kỳ hay giai đoạn.

Tài sản trên bảng cân đối kế toán được lập dựa trên “nguyên tắc giá gốc”. Nghĩa là tài sản sẽ được ghi nhận dựa trên giá mua ban đầu và không được điều chỉnh (trừ khi có chuẩn mực kế toán khác). Do đó trên thực tế sẽ có sự chênh lệch giữa giá trị tài sản trên sổ sách và giá thị trường của tài sản đó.