Bootstrapping là gì?

...

Bootstrapping được hiểu là nhà khởi nghiệp tự thành lập và điều hành một công ty chỉ sử dụng nguồn vốn của chính mình.

Bootstrapping
💡
Bootstrapping đòi hỏi founder phải có sẵn nguồn tài chính đủ mạnh, có thể nuôi dưỡng dự án khởi nghiệp trong giai đoạn đầu.

So với việc gọi vốn từ bên ngoài, bootstrapping có lợi thế cho nhà khởi nghiệp trong việc duy trì quyền kiểm soát với doanh nghiệp.

Tuy nhiên hình thức này có thể mang lại những áp lực lớn về tài chính cho nhà khởi nghiệp.

Trong kinh doanh, phương pháp tự thân vận động (tiếng Anh: Bootstrapping) được hiểu là các nhà khởi nghiệp tự dùng vốn của mình để tự vận hành việc kinh doanh mà không huy động từ bên ngoài.

Đặc điểm của bootstrapping

Một startup phải tự thân vận động khi founder có sẵn nguồn tài chính đủ mạnh, có thể nuôi dưỡng dự án khởi nghiệp trong giai đoạn đầu. Các dự án khởi nghiệp bằng vốn tự thân thường có mô hình hoạt động tinh gọn, ít chi phí với mức quay vòng tồn kho nhanh.

Một công ty bootstrapping cũng thường áp dụng các chính sách cho phép khách hàng đặt trước sản phẩm, và sử dụng tiền có được từ các đơn đặt hàng đó để tái sản xuất, phát triển và tiếp thị sản phẩm của mình.

So với việc gọi vốn từ bên ngoài, bootstrapping có lợi thế cho nhà khởi nghiệp trong việc duy trì quyền kiểm soát với doanh nghiệp. Tuy nhiên hình thức này mang lại những áp lực lớn về tài chính cho nhà khởi nghiệp, đặc biệt là khi không thể cấp đủ vốn cho công ty nhằm đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng.

Cách một công ty phát triển bằng Bootstrapping

Một startup tự thân thường sẽ trải qua hai giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Dùng tiền của chính bản thân. Giai đoạn này nhà sáng lập startup sẽ phải bỏ tiền túi, có thể là tiền tiết kiệm tích lũy hoặc dòng tiền từ một công việc phụ, một khoản đầu tư, kinh doanh khác để nuôi ý tưởng khởi nghiệp.
  • Giai đoạn 2: Tiền do khách hàng tài trợ. Khi đã sẵn sàng tung ra các sản phẩm đầu tiên, lúc này startup sẽ huy động nguồn tiền từ khách hàng tiềm năng thông qua các đơn đặt hàng trước. Nguồn tiền này sẽ được tái đầu tư, xoay vòng nhiều lần để tạo ra dòng tiền để startup có thể tự vận hành mà không cần founder cấp vốn nữa.

Sau giai đoạn 2, startup có thể chọn tiếp tục hoạt động bằng dòng tiền từ chính doanh nghiệp tạo ra hay kêu gọi vốn từ bên ngoài. Trên thực tế, việc gọi vốn bên ngoài thường diễn ra khi startup đang trong giai đoạn bão hoà và phải sử dụng các khoản đầu tư bên ngoài để kích thích, đẩy nhanh hoạt động kinh doanh.

Các startup thành công nhờ bootstrapping

Trên thực tế cũng có những startup rất thành công chỉ nhờ vào vốn tự thân, mặc dù việc này rất hiếm khi xảy ra, ví dụ như Airbnb, GoPro hay MailChimp.

Apple cũng là một câu chuyện khởi nghiệp nhờ bootstrapping tiêu biểu, khởi đầu với một văn phòng nằm trong một căn phòng ngủ tại ngôi nhà ngoại ô của cha mẹ Jobs.