Cấu trúc vốn là gì?

...

Cấu trúc vốn (Capital Structure) là thuật ngữ mô tả sự kết hợp giữa nợ và vốn chủ sở hữu được sử dụng để hình thành nên tài sản và tài trợ cho các hoạt động của công ty.

Cấu trúc vốn
💡
Căn cứ theo tiêu thức quan hệ sở hữu vốn, thành phần trong cấu trúc vốn của DN bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn nợ.

Đối với công ty, vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn đầu tiên mà doanh nghiệp huy động được, được coi là vốn điều lệ.

Nợ phải trả là nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài doanh nghiệp. Nợ phải trả gồm nợ phải trả ngắn hạn và nợ phải trả dài hạn.

Cấu trúc vốn (Capital Structure) là thuật ngữ mô tả sự kết hợp giữa nợ và vốn chủ sở hữu được sử dụng để hình thành nên tài sản và tài trợ cho các hoạt động của công ty.

Các loại nguồn vốn trong doanh nghiệp

Căn cứ theo tiêu thức quan hệ sở hữu vốn, thành phần trong cấu trúc vốn của DN bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn nợ.

Vốn chủ sở hữu

Đối với công ty, vốn chủ sở hữu là các nguồn vốn đầu tiên mà doanh nghiệp huy động được, được coi là vốn điều lệ. Nguồn vốn chủ sở hữu trong công ty cổ phần được hình thành từ các nguồn sau:

  • Vốn cổ phần thường: Là vốn được huy động từ việc chia nhỏ vốn điều lệ của công ty thành nhiều phần bằng nhau thông qua việc phát hành cổ phiếu bán ra thị trường, được gọi là cổ phần.
  • Vốn cổ phần ưu đãi: Là phần vốn công ty huy động được thông qua phát hành cổ phiếu ưu đãi. Loại cổ phiếu này cho cổ đông một số quyền và lợi ích ở mức cao hơn so với cổ phiếu phổ thông.
  • Lợi nhuận không chia và các quỹ của công ty: Sau khi đã trả thuế và chia cổ tức, phần lợi nhuận còn lại được gọi là lợi nhuận không chia. Đây sẽ là nguồn được dùng để tăng vốn chủ sở hữu, đảm bảo chi phí sử dụng vốn ở mức tối thiểu và trích để đóng góp cho các quỹ của công ty như quỹ đầu tư phát triển, quỹ phúc lợi, khen thưởng,…

Nợ phải trả

Nợ phải trả là nguồn vốn tài trợ từ bên ngoài doanh nghiệp, phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp phải trả cho các chủ nợ. Nợ phải trả gồm nợ phải trả ngắn hạn và nợ phải trả dài hạn.

Nợ phải trả ngắn hạn

  • Tín dụng thương mại: Đây là loại tín dụng ngắn hạn quan trọng nhất vì nó chiếm tỷ lệ khá cao, thường từ 40-60% so với tài sản lưu động của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp nhỏ hoặc doanh nghiệp đang tăng trưởng nhanh. Nguồn nợ này được hình thành trong hoạt động mua bán theo hình thức trả chậm hoặc trả góp, là khoản “tín dụng thương mại” mà người bán cung cấp cho doanh nghiệp.
  • Vay ngắn hạn ngân hàng: Là các khoản vay có thời gian chi trả trong một chu kỳ kinh doanh hoặc trong một năm tài chính. Có hai hình thức cho vay ngắn hạn là vay ngắn hạn có đảm bảo và vay ngắn hạn không có đảm bảo.
  • Thương phiếu: là loại trái phiếu doanh nghiệp ngắn hạn, thường từ 30 đến 270 ngày, thường do công ty tài chính phát hành theo hình thức chiết khấu như công trái ngắn hạn. Thương phiếu được chào bán trực tiếp bởi công ty phát hành hoặc các hãng môi giới theo từng lô.
  • Nợ tích lũy: Trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do nhiều nguyên nhân, luôn nảy sinh những khoản nợ phải trả có tính chất chu kỳ như: tiền công nhân viên, thuế,… Chúng phát sinh thường xuyên trong hoạt động kinh doanh. Khi các khoản nợ này chưa đến kỳ hạn thanh toán thì các doanh nghiệp có thể sử dụng tạm thời vào các hoạt động kinh doanh của mình.

Nợ phải trả dài hạn

Là các khoản nợ có thời hạn vay ít nhất từ 3 đến 5 năm, thường là các vốn vay từ ngân hàng thương mại.

  • Nợ trái phiếu: Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp với người nắm giữ - còn được gọi là trái chủ. Trái chủ được trả lãi được cố định theo kỳ hoặc trả lãi trước, và được thanh toán nợ gốc khi đáo hạn.
  • Nợ dài hạn khác: Bao gồm nợ thuê tài chính, nhận ký quỹ, ký cược dài hạn...

Phân tích cấu trúc vốn

Khi phân tích cấu trúc vốn của doanh nghiệp, các nhà phân tích thường chú ý đến tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E). Tỷ lệ này cung cấp cái nhìn tổng quan về cơ cấu nguồn vốn của công ty được hình thành chủ yếu từ nguồn nào. Thông thường, một công ty có tỷ lệ nợ quá cao có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nợ cũng được xem là đòn bẩy tài chính thúc đẩy sự tăng trưởng của công ty.

Với nợ vay, các công ty có thể được hưởng lợi về thuế do các khoản thanh toán lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập tính thuế. Tài trợ vốn bằng nợ vay thay vì tăng vốn chủ sở hữu cũng giúp doanh nghiệp tránh được tình trạng pha loãng cổ phiếu.

Ngược lại với nợ vay, nguồn vốn chủ sở hữu không cần phải trả lãi định kỳ. Điều này sẽ có lợi cho công ty trong trường hợp cần tập trung nguồn vốn để tái đầu tư trong giai đoạn tăng trưởng.