Đầu tư mạo hiểm là gì?

...

Đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là việc cung cấp vốn cho các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao ở giai đoạn đầu để đổi lấy cổ phần.

Đầu tư mạo hiểm
💡
Các doanh nghiệp gọi vốn đầu tư mạo hiểm thường là các startup tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện gọi vốn trên thị trường chứng khoán.

Các cá nhân có tài sản lớn, các công ty bảo hiểm, quĩ hưu trí tư nhân và quĩ hưu trí công ty có thể góp tiền lại thành một quĩ được kiểm soát bởi một công ty đầu tư mạo hiểm.

Các công ty đầu tư mạo hiểm thường đầu tư theo các tiêu chí rất đặc thù, thường liên quan đến một lĩnh vực cụ thể như công nghệ, sức khỏe, giáo dục,...

Đầu tư mạo hiểm (Venture capital) là việc cung cấp vốn cho các công ty có tiềm năng tăng trưởng cao ở giai đoạn đầu để đổi lấy cổ phần. Các công ty này thường là các startup tiềm năng nhưng chưa đủ điều kiện gọi vốn trên thị trường chứng khoán.

Phương thức hoạt động của đầu tư mạo hiểm

Các cá nhân có tài sản lớn, các công ty bảo hiểm, quĩ hưu trí tư nhân và quĩ hưu trí công ty có thể góp tiền lại thành một quĩ được kiểm soát bởi một công ty đầu tư mạo hiểm.

Các công ty đầu tư mạo hiểm này thường đầu tư theo các tiêu chí cụ thể, các tiêu chí này thường tập trung vào:

  • Ngành nghề: ví dụ như chỉ đầu tư vào các ngành đặc thù, có tiềm năng như công nghệ, tiêu dùng, sức khỏe,...
  • Tiềm năng của doanh nghiệp: ví dụ như chỉ đầu tư vào các công ty có ý tưởng sáng tạo nào có khả năng sản sinh ra lợi nhuận hấp dẫn.
  • Khi doanh nghiệp đã đạt đến một giai đoạn nhất định: ví dụ như các công ty khởi nghiệp đã có mô hình kinh doanh ổn định, cần nhân rộng và có mục tiêu IPO.

Quy trình đầu tư mạo hiểm

Bước đầu tiên doanh nghiệp cần gọi vốn sẽ đệ trình một bảng kế hoạch kinh doanh cụ thể cho các nhà đầu tư mạo hiểm kèm theo đề nghị góp vốn để đổi lấy cổ phần.

Nếu dự án có tiềm năng, phù hợp với tiêu chí đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm sẽ có buổi gặp gỡ với doanh nghiệp gọi vốn. Trong buổi này, doanh nghiệp gọi vốn sẽ trình bày cụ thể về tiềm năng của doanh nghiệp, các kế hoạch phát triển trong tương lai, sau đó các bên sẽ đưa ra các đề xuất về việc góp vốn.

Sau khi đã thỏa thuận về việc góp vốn, phía nhà đầu tư mạo hiểm sẽ tiến hành thẩm định chuyên sâu, còn gọi là Due diligence (DD), bao gồm thẩm định về mô hình kinh doanh, sản phẩm, quản lý và lịch sử hoạt động của công ty, cùng những yếu tố khác. Thủ tục này sẽ tốn khá nhiều thời gian, tùy thuộc vào quy mô và tính minh bạch của doanh nghiệp. Nếu kết quả thẩm định không đạt yêu cầu của nhà đầu tư, việc hợp tác giữa các bên có thể sẽ dừng lại.

Sau khi hoàn tất việc thẩm định, nhà đầu tư sẽ tiến hành giải ngân vốn theo thỏa thuận. Thường thì việc giải ngân sẽ được thực hiện theo nhiều đợt, kèm theo các KPIs nhất định. Nếu doanh nghiệp đạt được KPI thì việc giải ngân sẽ được tiếp tục.

Sau một khoản thời gian nhất định, khi doanh nghiệp đã phát triển đến một mức độ nhất định, nhà đầu tư sẽ rút vốn. Phương thức rút vốn thường là: bán phần vốn góp cho công ty khác đang muốn thâu tóm doanh nghiệp, hoặc bán phần vốn góp trong đợt IPO.

Câu hỏi thường gặp

Hỏi: Đầu tư mạo hiểm có rủi ro như thế nào?

Đáp: Các công ty khởi nghiệp có tỷ lệ thành công thường thấp, điều đó có nghĩa là các nhà đầu tư mạo hiểm có khả năng cao sẽ mất tất cả số tiền mà họ đã đầu tư. Tuy nhiên, chỉ cần một khoản đầu tư thành công và tiến hành IPO, khoản đầu tư này có thể mang lại lợi nhuận rất lớn, đủ bù đắp cho nhiều khoản đầu tư thua lỗ trước đó.

Hỏi: Nhà đầu tư mạo hiểm khác với một nhà đầu tư thiên thần như thế nào?

Đáp: Điểm giống của cả hai nhà đầu tư là đều cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp.

Các nhà đầu tư mạo hiểm thường là các nhà đầu tư chuyên nghiệp, thường đầu tư vào nhiều công ty. Không chỉ cung cấp vốn, các nhà đầu tư mạo hiểm còn hỗ trợ các startup về kinh nghiệm điều hành, kinh doanh, cung cấp các mối quan hệ hoặc hỗ trợ họ về các thủ tục pháp lý.

Các nhà đầu tư thiên thần thường là những cá nhân giàu có, những người thích đầu tư vào các công ty mới như một sở thích. Các nhà đầu tư thiên thần cũng có xu hướng đầu tư vào giai đoạn startup mới hình thành, chưa có sản phẩm hay dịch vụ cụ thể.