Dự toán vốn đầu tư là gì?

...

Dự toán vốn đầu tư (Capital Budgeting) còn được gọi là “lập ngân sách vốn”, là quá trình một doanh nghiệp thực hiện để đánh giá các dự án đầu tư tiềm năng.

Dự toán vốn đầu tư
💡
Thông thường, các doanh nghiệp sẵn sàng đổ tiền vào bất kỳ dự án nào có khả năng đem lại giá trị cho cổ đông.

Quá trình này liên quan đến việc phân tích dòng tiền vào và ra của dự án để xác định có đáp ứng các tiêu chuẩn đã định hay không.

Các phương pháp dự toán vốn đầu tư thường dùng là phân tích dòng tiền chiết khấu, phân tích hoàn vốn và phân tích thông lượng.

Dự toán vốn đầu tư (Capital Budgeting) còn được gọi là “lập ngân sách vốn”, là quá trình một doanh nghiệp thực hiện để đánh giá các dự án đầu tư tiềm năng.

Thông thường, các doanh nghiệp sẵn sàng đổ tiền vào bất kỳ dự án nào có khả năng đem lại giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, lượng vốn mà doanh nghiệp có sẵn hoặc có thể huy động được có giới hạn. Do đó ban lãnh đạo phải sử dụng các kĩ thuật dự toán vốn đầu tư để xác định dự án nào sẽ mang lại lợi nhuận tốt nhất.

Nguyên tắc dự toán đầu tư

Dự toán đầu tư được thực hiện theo các nguyên tắc:

  • Quyết định lựa chọn dự án được dựa trên dòng tiền, không dựa trên lợi nhuận kế toán;
  • Dòng tiền được tính có xem xét chi phí cơ hội;
  • Dòng tiền có giá trị theo thời gian, nên thời điểm phát sinh dòng tiền là một yếu tố quan trọng. Dòng tiền nhận trước có giá trị hơn dòng tiền nhận sau.
  • Dòng tiền được phân tích dựa trên cơ sở sau thuế;
  • Chi phí tài chính được phản ánh qua tỷ suất lợi nhuận yêu cầu của dự án.

Các phương pháp dự toán vốn đầu tư

Phân tích dòng tiền chiết khấu - Discounted Cash Flow Analysis

Phương pháp phân tích DCF dựa trên nguyên tắc cơ bản nhất là ước tính giá trị tất cả các dòng tiền tự do mà doanh nghiệp sẽ thu được trong tương lai và chiết khấu chúng về giá trị hiện tại theo một mức lãi suất chiết khấu thích hợp.

Phân tích hoàn vốn - Payback Analysis

Phân tích hoàn vốn tính toán sẽ mất bao lâu để doanh nghiệp thu lại được vốn đã bỏ ra đầu tư cho dự án. Thời gian hoàn vốn được xác định bằng cách lấy khoản đầu tư ban đầu chia cho dòng tiền trung bình hàng năm mà dự án sẽ tạo ra.

Ví dụ: nếu chi phí đầu tư ban đầu của dự án là 400 triệu đồng, và dự án tạo ra doanh thu 100 triệu đồng mỗi năm. Doanh nghiệp sẽ mất 4 năm để hoàn vốn.

Phương pháp phân tích hoàn vốn có ưu điểm là đơn giản, dễ tính toán; phù hợp với việc xem xét dự án đầu tư có quy mô vừa và nhỏ, thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ chú trọng xem xét lợi ích ngắn hạn và không tính đến yếu tố giá trị thời gian của tiền.

Phân tích thông lượng - Throughput Analysis

Khái niệm cơ bản làm nền tảng cho phân tích thông lượng là nên xem xét các quyết định đầu tư và tác động của chúng đối với toàn bộ doanh nghiệp, thay vì vào lĩnh vực cụ thể. Thông lượng là số lượng sản phẩm hay dịch vụ mà công ty có thể sản xuất và cung cấp cho khách hàng trong một khoảng thời gian xác định. Đây được xem là hình thức dự toán vốn đầu tư phức tạp nhất nhưng cũng chính xác nhất trong việc giúp các nhà quản lý quyết định nên theo đuổi dự án nào.

Phân tích dựa trên giả định:

  • Toàn bộ công ty được coi là một hệ thống tạo ra lợi nhuận duy nhất;
  • Gần như tất cả các chi phí đều là chi phí hoạt động;
  • Một công ty cần tối đa hóa thông lượng của toàn bộ hệ thống để thanh toán chi phí;
  • Cách tối đa hóa lợi nhuận là tối đa hóa thông lượng thông qua nút thắt cổ chai.

Điều này có nghĩa là các nhà quản lý nên ưu tiên cho các dự toán vốn đầu tư sẽ làm tăng thông lượng.