FED là gì?

...

FED được biết đến như là tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới, là nơi duy nhất được phát hành tiền USD, đưa ra các chính sách tiền tệ không chỉ ảnh hưởng tới Mỹ mà còn rất nhiều quốc gia khác.

FED
💡
Hệ thống Dự trữ Liên bang ("FED") là ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ.

FED được thành lập nhằm mục đích cung cấp một hệ thống tài chính tiền tệ an toàn, linh hoạt và ổn định cho quốc gia.

FED bao gồm 12 Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực, mỗi Ngân hàng chịu trách nhiệm về một khu vực địa lý cụ thể của Hoa Kỳ.

Các nhiệm vụ chính của FED bao gồm: thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, giám sát và điều tiết các ngân hàng, duy trì sự ổn định tài chính và cung cấp các dịch vụ ngân hàng.

Hệ thống dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve System) hay còn gọi tắt là FED, là Ngân hàng trung ương của Mỹ và được cho là một tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới. FED được thành lập  nhằm mục đích cung cấp một hệ thống tài chính tiền tệ an toàn, linh hoạt và ổn định cho quốc gia.

FED thuộc sở hữu của các ngân hàng thành viên do chính phủ Mỹ thành lập, bao gồm 12 ngân hàng Dự trữ Liên bang và khoảng 5000 ngân hàng thành viên. Tất cả các ngân hàng có quy chế hoạt động liên bang đều phải trực thuộc FED và nhiều ngân hàng có quy chế hoạt động bang cũng thuộc hệ thống này.

FED gần như là một trong số ít các ngân hàng trung ương trên thế giới không chịu bất cứ kiểm soát hay quyết định nào từ chính phủ, mặc dù vẫn chịu sự giám sát từ Quốc hội. Nhờ vậy, các phán quyết mà FED đưa ra sẽ không phục vụ lợi ích cho một nhóm nào mà chỉ phục vụ cho người dân và các lợi ích công cộng.

Lịch sử ra đời

FED được thành lập theo Đạo luật dự trữ liên bang, được tổng thống Woodrow Wilson ký vào ngày 23 tháng 12 năm 1913 để đối phó với một loạt các cuộc khủng hoảng tài chính, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năm 1907. Trước đó, Mỹ là cường quốc duy nhất không có ngân hàng trung ương.

Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của FED bao gồm:

  • Hội đồng Thống Đốc (Board of Governors).
  • 12 Ngân hàng Dự Trữ Liên Bang (12 Federal Reserve Banks).
  • Các Ngân Hàng thành viên (Member Banks).
  • Ủy Ban Thị Trường Mở Rộng Liên Bang (Federal Open Market Committee).
  • Các Hội Đồng Cố Vấn (Advisory Councils).

Trong đó:

  • Hội đồng Thống Đốc gồm 7 thành viên do tổng thống đề cử và được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn, nhiệm kỳ 14 năm (trừ khi bị phế truất bởi Tổng thống) và không phục vụ quá một nhiệm kỳ. Đây chính là những người sẽ đưa ra các quyết định quan trọng về chính sách tiền tệ.
  • 12 ngân hàng dự trữ liên bang khu vực (12 chi nhánh) được đặt tại Boston, New York, Philadelphia, Cleveland, Richmond, Atlanta, Chicago, St. Louis, Minneapolis, Kansas City, Dallas và San Francisco.
  • Các ngân hàng thành viên là các ngân hàng tư nhân có sở hữu cổ phần trong Ngân hàng Dự trữ Liên bang khu vực. Quan hệ sở hữu này khác với sở hữu cổ phần của công ty thông thường. Các ngân hàng dự trữ liên bang khu vực hoạt động không vì lợi nhuận và việc sở hữu cổ phần của nó là điều kiện để trở thành ngân hàng thành viên.
  • Ủy ban thị trường mở rộng liên bang (FOMC) gồm 7 thành viên của Hội đồng Thống Đốc cùng 5 chủ tịch ngân hàng chi nhánh, với nhiệm vụ thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở.
12 Ngân hàng Dự Trữ Liên Bang. Nguồn: federalreserve.gov

Nhiệm vụ của FED

Các mục tiêu chính sách tiền tệ của FED gồm ba mục tiêu chính: Việc làm tối đa, giá cả ổn định, và lãi suất dài hạn vừa phải.

Các nhiệm vụ của FED có thể được phân loại thêm thành bốn lĩnh vực chung:

  1. Thực thi chính sách tiền tệ quốc gia bằng cách tạo việc làm cho công dân Hoa Kỳ, ổn định giá cả và điều chỉnh lãi suất dài hạn.
  2. Giám sát và điều tiết các tổ chức ngân hàng nhằm đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính và bảo vệ quyền tín dụng của người tiêu dùng.
  3. Duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính và kiểm soát các rủi ro hệ thống .
  4. Cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tổ chức lưu ký, chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức chính thức nước ngoài; đóng vai trò then chốt trong việc vận hành hệ thống thanh toán quốc gia,

Các công cụ FED sử dụng để thực hiện chính sách tiền tệ

Nghiệp vụ thị trường mở (Open market operation - OMO)

Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động ngân hàng trung ương mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường (trái phiếu chính phủ), nhằm mục đích điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.

Khi FED mua trái phiếu chính phủ, tiền được đưa thêm vào lưu thông. Tiền lưu thông tăng khiến lãi suất giảm xuống và chi tiêu, vay ngân hàng sẽ gia tăng.

Khi FED bán ra trái phiếu chính phủ, tác động sẽ diễn ra ngược lại. Tiền rút bớt khỏi lưu thông, khan hiếm tiền sẽ làm tăng lãi suất dẫn đến vay nợ từ ngân hàng khó khăn hơn.

Dự trữ bắt buộc

Ngân hàng thành viên cho vay phần lớn lượng tiền mà ngân hàng đó quản lý. Nếu FED yêu cầu các ngân hàng này phải dự trữ một phần lượng tiền này, khi đó phần cho vay sẽ giảm đi, việc vay mượn trở nên khó hơn và lãi suất sẽ tăng lên.

Lãi suất chiết khấu

Các ngân hàng thành viên của FED vay tiền từ FED để phục vụ cho các nhu cầu ngắn hạn. Lãi suất mà FED ấn định cho các khoản vay này gọi là lãi suất chiết khấu. Hoạt động này có ảnh hưởng, tuy nhỏ hơn, về số lượng tiền các thành viên sẽ được vay.