Giá trị hàng tồn kho là gì?

...

Giá trị hàng tồn kho được hiểu là giá trị ghi sổ của hàng tồn kho, được thể hiện trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Giá trị hàng tồn kho bao gồm giá trị đầu kỳ và giá trị cuối kỳ.

Giá trị hàng tồn kho
💡
Hàng tồn kho là tài sản lưu động được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Hàng tồn kho là tài sản lưu động được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.

Giá trị hàng tồn kho được xác định theo một trong ba phương pháp: phương pháp thực tế đích danh, nhập trước xuất trước (FIFO) hoặc bình quân gia quyền.

Hàng tồn kho là cơ sở cho việc xác định giá vốn hàng bán (COGS), là giá vốn của hàng hóa được bán ra trong kỳ.

Hàng tồn kho ("Inventory") là một loại tài sản lưu động được ghi nhận trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Theo mục đích sử dụng, hàng tồn kho được phân thành nhiều loại. Trong các doanh nghiệp thương mại, hàng tồn kho chủ yếu là hàng hóa mua về để bán. Trong doanh nghiệp sản xuất, hàng tồn kho thường sẽ là: nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, sản phẩm dở dang và thành phẩm.

Giá trị hàng tồn kho được hiểu là giá trị ghi sổ của hàng tồn kho, được thể hiện trên bảng cân đối kế toán, gồm giá trị hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị hàng tồn kho cuối kỳ. Giá trị hàng tồn kho của đầu kỳ này cũng chính là giá trị hàng tồn kho ở cuối kỳ trước đó.

Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ ("Beginning Inventory") là giá trị ghi sổ của hàng tồn kho của doanh nghiệp khi bắt đầu kỳ kế toán.

Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ ("Ending Inventory") là giá trị hàng hóa vẫn có sẵn để bán và vẫn được doanh nghiệp nắm giữ vào cuối kỳ kế toán.

Phương pháp tính giá trị hàng tồn kho

Giá trị hàng tồn kho được tính theo giá gốc của từng loại hàng hóa, sản phẩm trong hàng tồn kho. Về bản chất, giá trị hàng tồn kho được xác định như sau:

Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho nhập thêm trong kỳ - Giá trị hàng tồn kho xuất đi trong kỳ. 

Trong đó:

  • Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ là giá trị của hàng tồn kho của cuối kỳ trước.
  • Giá trị hàng tồn kho nhập thêm trong kỳ được xác định dựa trên giá gốc lúc nhập hàng. Giá gốc này bao gồm: chi phí mua, chi phí chế biến và chi phí liên quan trực tiếp để có được hàng hóa.

Để xác định giá trị hàng tồn kho xuất đi trong kỳ, cần phải xác định giá gốc tương ứng. Từng loại hàng hóa được mua vào từng thời điểm khác nhau sẽ có giá gốc khác nhau. Đối với các doanh nghiệp có ít chủng loại hàng hóa thì việc xác định này sẽ đơn giản hơn nhiều. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đều kinh doanh, sản xuất với đa dạng chủng loại hàng hóa, và các hàng hóa này thường được sản xuất với số lượng lớn và không thể phân biệt được. Do đó, giá trị của hàng tồn kho giảm trong kỳ sẽ được xác định bởi một trong các phương pháp kế toán sau:

  1. Phương pháp thực tế đích danh;
  2. Phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO);
  3. Phương pháp bình quân gia quyền.

Phương pháp thực tế đích danh được áp dụng với doanh nghiệp có chủng loại hàng hóa ít và dễ phân biệt. Theo phương pháp này, giá trị hàng tồn kho giảm trong kỳ sẽ được xác định chính xác là hàng tồn kho được nhập theo đợt nào với giá gốc là bao nhiêu.

Đây là phương pháp tính giá trị hàng tồn kho hợp lý và chính xác nhất. Tuy nhiên đây cũng là phương pháp đòi hỏi nhiều công sức vì phải nhận biết giá gốc của từng hàng hóa.

Phương pháp nhập trước xuất trước (FIFO) được áp dụng trên giả định hàng hóa nào được nhập kho trước hoặc sản xuất trước sẽ được ưu tiên xuất đi trước, và hàng tồn kho cuối kỳ sẽ là hàng hóa được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ.

Phương pháp bình quân gia quyền được áp dụng để giá trị hàng tồn kho xuất đi trong kỳ theo giá trị bình quân của tất cả hàng đang có sẵn trong kho.

Trường hợp giá trị  bình quân này được tính sau mỗi lần nhập thì được gọi là “bình quân gia quyền liên hoàn”. Trường hợp giá trị này được tính một lần vào cuối kỳ thì được gọi là “bình quân gia quyền cố định”.

Mục đích của việc tính giá trị hàng tồn kho

Tinh giá vốn hàng bán

Hàng tồn kho là cơ sở cho việc toán giá vốn hàng bán (COGS), từ đó xác định được lợi nhuận gộp từ việc bán hàng. Giá vốn hàng bán cũng chính là giá trị của hàng tồn kho được xuất bán ra trong kỳ kế toán.

Giá vốn hàng bán được xác định bằng công thức:

Giá vốn hàng bán = Giá trị hàng tồn kho đầu kỳ + Giá trị hàng tồn kho tăng thêm trong kỳ - Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ

Xác định giá trị hàng hóa còn lại trong kho

Xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ giúp doanh nghiệp biết được giá trị các mặt hàng còn chưa được bán ra, từ đó có thể ra chiến lược bán hàng phù hợp vào kỳ sau.

Tính tốc độ bán hàng

Tốc độ bán hàng của doanh nghiệp được thể hiện qua chỉ số vòng quay hàng tồn kho (Inventory Turnover Ratio). Chỉ số này cho biết số lần hàng tồn kho được thay mới trong kỳ để tạo ra doanh thu được ghi nhận trong kỳ đó. Tỷ số càng cao thì càng thể hiện doanh nghiệp hoạt động ổn định và hiệu quả, hàng hóa không bị ứ đọng, tồn nhiều.

Vòng quay hàng tồn kho=Doanh thu
Hàng tồn kho bình quân

Tính số ngày tồn kho bình quân

Số ngày tồn kho bình quân (Average Age of Inventory - AAI) là số ngày trung bình để một doanh nghiệp bán hết hàng tồn kho. Chỉ số này cho biết hàng tồn kho được luân chuyển nhanh như thế nào. So sánh với đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp nào bán được hàng càng nhanh thì càng sớm thu được lợi nhuận và tiếp tục chu kỳ kinh doanh mới. Hơn nữa việc này còn giúp doanh nghiệp giảm được các chi phí phát sinh từ hàng tồn kho như chi phí lưu kho,...

Số ngày tồn kho bình quân=Số ngày trong năm (365 ngày)
Vòng quay hàng tồn kho.

Tầm quan trọng của việc quản lý hàng tồn kho

  • Để tối ưu hiệu quả hoạt động, các doanh nghiệp luôn cố gắng kiểm soát giá trị hàng tồn kho ở mức vừa đủ.
  • Nếu giá trị hàng tồn kho quá cao, sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí như lưu kho, bảo quản, hư hỏng, và đặc biệt là tồn đọng vốn lưu động. Điều này làm gia tăng chi phí giá thành, lợi nhuận bị ảnh hưởng và doanh nghiệp mất đi tính cạnh tranh về giá trên thị trường.
  • Nếu tồn kho ở mức quá thấp sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất, khách hàng. Điều này ảnh hưởng đến doanh số bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.