Hạn mức tín dụng là gì?

...

Hạn mức tín dụng là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước nhằm hạn chế mức dư nợ tín dụng tối đa đối với nền kinh tế của tổ chức tín dụng.

Hạn mức tín dụng
💡
Hạn mức tín dụng là công cụ thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Hạn mức tín dụng là giới hạn mức cho vay tối đa trong hoạt động của tổ chức tín dụng.

Hạn mức tín dụng còn có nghĩa khác là số tiền tối đa mà chủ thẻ tín dụng được phép tiêu.

Hạn mức tín dụng ("Credit Limit") hay "room" tín dụng là một công cụ để thực thi chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhằm hạn chế mức dư nợ tín dụng tối đa đối với nền kinh tế của tổ chức tín dụng. Theo đó, hạn mức tín dụng là giới hạn mức cho vay tối đa trong hoạt động của tổ chức tín dụng, được thể hiện qua số dư nợ tối đa vào một thời điểm nhất định, thường là ngày cuối quý, cuối năm được quy định trong kế hoạch tín dụng của ngân hàng.

Công cụ hạn mức tín dụng đã được NHNN Việt Nam áp dụng năm 1994 nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng quá đà và chính sách này đã bị bãi bỏ năm 1998. Thế nhưng đến năm 2011, biện pháp hành chính này được tái sử dụng do có thời điểm Tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 158%, dẫn đến không thể kiểm soát lạm phát.

Ngoài ra, hạn mức tín dụng còn có nghĩa là mức tối đa mà khách hàng được phép chi tiêu thông qua thẻ tín dụng. Nếu khoản chi tiêu vượt mức tối đa của thẻ thì khách hàng sẽ chịu thêm phí do tổ chức phát hành thẻ tín dụng quy định. Mỗi loại thẻ tín dụng sẽ có những hạn mức khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng của thẻ.

Căn cứ xác định hạn mức tín dụng

Chính sách hạn mức tín dụng được xác định trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và chỉ tiêu lạm phát dự kiến hàng năm, ngoài ra còn dựa vào một số tín hiệu thị trường khác: tỷ lệ thất nghiệp, tỷ giá, thâm hụt ngân sách nhà nước, tốc độ lưu chuyển tiền tệ,… Trên cơ sở đó, hạn mức tín dụng được áp dụng cho các ngân hàng thương mại cho từng thời kỳ phù hợp với mục đích của chính sách tiền tệ.

Trong phần lớn các trường hợp, những hạn mức riêng này được xác định căn cứ vào tỷ trọng cho vay của nó trong quá khứ so với tổng mức cho vay của hệ thống ngân hàng. Ngân hàng thương mại chỉ được cấp tín dụng cho nền kinh tế tối đa bằng hạn mức tín dụng được quy định.

Ưu điểm và nhược điểm của việc áp dụng hạn mức tín dụng

Ưu điểm

  • Đây là công cụ trực tiếp giúp NHNN điều tiết và kiểm soát lượng tiền trong lưu thông.
  • Công cụ này phát huy hiệu quả khi tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng cao và các công cụ gián tiếp khác tỏ ra kém hiệu quả.

Nhược điểm

  • Hạn mức tín dụng có thể làm cho lãi suất tăng lên, bởi vì cung tiền bị giới hạn, không thoả mãn nhu cầu vốn của nền kinh tế.
  • Hạn mức tín dụng có thể kìm hãm sự phát triển của các ngân hàng tốt, làm giảm tính cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại. Những ngân hàng có khả năng huy động nhiều vốn, lại bị hạn chế cho vay, trong khi một số ngân hàng không có khả năng huy động vốn lại không sử dụng hết được hạn mức của mình.
  • Việc kìm hãm này có nguy cơ làm phát sinh các tổ chức tài chính mới, nằm ngoài phạm vi kiểm soát của Ngân hàng Trung ương, thay thế ngân hàng thực hiện nghiệp vụ cho vay. Kết quả cuối cùng là làm cho chính sách tiền tệ mất đi hiệu lực.
  • Hạn mức tín dụng cũng gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, hộ nông dân. Do tín dụng bị áp mức trần, nên các ngân hàng thường lựa chọn khách hàng lớn để cho vay, sau đó mới đến những đối tượng trên.