Huy động vốn là gì?

...

Huy động vốn là hình thức tiếp nhận các tài sản có giá trị của các cá nhân, tổ chức thông qua nhiều hình thức khác nhau để hình thành hoặc bổ sung vào nguồn vốn.

Huy động vốn
💡
Huy động vốn là việc doanh nghiệp tiếp nhận các tài sản có giá trị để hình thành hoặc bổ sung vào nguồn vốn.

Nguồn vốn của doanh nghiệp được chia thành vốn chủ sở hữu và nợ.

Các hình thức huy động vốn phổ biến bao gồm: chào bán cổ phiếu, trái phiếu, góp vốn thành lập doanh nghiệp, góp vốn bổ sung và vay vốn.

Huy động vốn là hình thức tiếp nhận các tài sản có giá trị của các cá nhân, tổ chức thông qua nhiều hình thức khác nhau để hình thành hoặc bổ sung vào nguồn vốn. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp. Nguồn vốn của doanh nghiệp được chia thành hai loại, đó là nợ và vốn chủ sở hữu.

Các hình thức huy động vốn

Huy động vốn cho vốn chủ sở hữu

Góp vốn thành lập doanh nghiệp. Để thành lập doanh nghiệp, bao giờ chủ doanh nghiệp cũng phải bỏ ra một số vốn nhất định, được gọi là vốn góp ban đầu.

Góp vốn bổ sung: là hình thức huy động vốn thường thấy trong công ty TNHH. Có hai phương thức góp vốn bổ sung, đó là: vốn góp bổ sung từ thành viên hoặc nhận góp vốn từ người khác (không phải là thành viên công ty).

Chào bán cổ phiếu: là phương thức huy động vốn của công ty cổ phần bằng cách phát hành thêm cổ phiếu và chào bán ra bên ngoài để tăng vốn điều lệ. Có hai hình thức chào bán cổ phiếu, đó là chào bán cổ phiếu ra công chúng và chào bán riêng lẻ. Trong đó, hình thức chào bán cổ phiếu ra công chúng lần đầu được gọi là IPO.

Huy động vốn cho nguồn vốn nợ

Vay vốn: vay vốn kinh doanh là hình thức vay vốn nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn cho hoạt động, kế hoạch kinh doanh sắp tới. Với hình thức này, bên cho vay có thể là cá nhân, doanh nghiệp hay ngân hàng. Trong đó phương thức vay ngân hàng là phổ biến hơn hết.

Chào bán trái phiếu: là phương thức huy động vốn của doanh nghiệp thông qua việc phát hành trái phiếu và chào bán ra bên ngoài. Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, ghi nhận nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp đối với người sở hữu trái phiếu (trái chủ). Theo đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán tiền lãi định kỳ cho trái chủ và hoàn trả số tiền gốc khi trái phiếu đến hạn. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được chào bán trái phiếu phải là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH.

Ưu và nhược điểm của các hình thức huy động vốn

Đối với vốn chủ sở hữu

Ưu điểm:

  • Doanh nghiệp không phải chịu áp lực trả lãi vay định kỳ.
  • Vốn huy động có thể được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau mà không bị ràng buộc từ bên ngoài.
  • Lượng vốn huy động được từ bên ngoài thường không giới hạn, tùy thuộc vào tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Nhược điểm

  • Khả năng góp vốn của chủ doanh nghiệp thường có giới hạn, trong khi để huy động được vốn từ các nhà đầu tư lớn thường rất khó.
  • Chủ doanh nghiệp có rủi ro bị mất quyền kiểm soát nếu có quá nhiều người tham gia góp vốn vào doanh nghiệp.
  • Hiệu quả sử dụng vốn cũng không được tối ưu nếu cơ cấu vốn của doanh nghiệp có phần lớn từ vốn chủ sở hữu.

Đối với nợ

Ưu điểm:

  • Chủ doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro pha loãng cổ phiếu, giảm quyền kiểm soát trong doanh nghiệp.
  • Nợ còn được xem là đòn bẩy tài chính, giúp doanh nghiệp tăng tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE).
  • Khoản tiền lãi vay phải trả còn được coi là khoản chi phí hợp lý và được tính trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Giúp doanh nghiệp giảm được số tiền thuế phải nộp và làm gia tăng lợi nhuận.

Nhược điểm

  • Doanh nghiệp phải chịu áp lực trả lãi vay trong suốt quá trình vay.
  • Chi phí lãi vay quá cao cũng làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.
  • Lượng vốn huy động được thường có giới hạn, tùy thuộc vào tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp.
  • Thủ tục vay thường phức tạp, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo hoặc chứng minh được năng lực tài chính.