Lãi kép là gì?

...

Lãi kép là phương pháp tính lãi dựa trên việc tái đầu tư số tiền lãi. Tiền lãi của kỳ này sẽ được cộng vào vốn gốc và tiếp tục phát sinh lãi trong kỳ tiếp theo.

Lãi kép
💡
Lãi kép là phương pháp tính lãi dựa trên tổng số dư gốc và lãi của các kỳ trước đó.

Với lãi kép, số tiền lãi của kỳ sau sẽ cao hơn kỳ trước.

Phương pháp lãi kép sẽ có lợi hơn cho người cho vay hoặc nhà đầu tư, và gây bất lợi cho người đi vay.

Lãi kép (tiếng anh: Compound interest) là phương pháp tính lãi cho khoản đầu tư, tiền gửi tiết kiệm, hoặc khoản vay bằng cách nhập số tiền lãi của kỳ này vào vốn gốc và tiếp tục sinh lãi vào kỳ tiếp theo. Với lãi kép, số tiền lãi nhận được của kỳ sau sẽ cao hơn kỳ trước.

Lãi kép còn được hiểu theo dân gian là “lãi chồng lãi” hay “lãi mẹ đẻ lãi con”.

Lãi kép sẽ xuất hiện từ kỳ tính lãi thứ 2 trở đi, vì lúc này tiền lãi của kỳ đầu tiên đã được cộng vào số dư gốc. Sức mạnh của lãi kép được thể hiện càng rõ nếu kỳ hạn trả lãi càng nhiều.

Đối với chủ nợ hoặc nhà đầu tư, lãi kép là công cụ vô cùng hiệu quả để gia tăng lợi nhuận. Vì theo thời gian càng lâu, số tiền đầu tư sẽ càng gia tăng theo cấp số nhân.

Đối với người đi vay, lãi kép tạo áp lực rất lớn buộc người cho vay phải trả nợ sớm. Vì khoản vay được tính bằng lãi kép nếu để càng lâu, lãi suất sẽ càng cao.

Lãi kép được tính như thế nào?

Lãi kép được tính bằng công thức sau:

A = P0 x (1+i)^n

Trong đó:

  • A: là số tiền gốc và lãi nhận được vào cuối kỳ.
  • P0: là số dư tiền gửi (hoặc số dư nợ) ban đầu.
  • i: là lãi suất theo kỳ.
  • n: là số kỳ hạn.

Sức mạnh của lãi kép

Sức mạnh của lãi kép thể hiện qua sự tăng trưởng theo thời gian của số tiền gốc và lãi (“A” theo công thức trên). Dựa trên công thức tính lãi kép, sức mạnh của lãi kép sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:

  • P0: Số dư tiền gửi hoặc số dư nợ ban đầu;
  • i là lãi suất;
  • n: là số kỳ hạn.

Tác động của “P0”

Ví dụ 1: A và B cùng gửi tiền ở 1 ngân hàng với lãi suất tính theo lãi kép là 7%/năm, kỳ hạn 10 năm.

A: gửi 100 triệu đồng;

B: gửi 200 triệu đồng;

Số tiền gốc và lãi mà A và B nhận được qua từng năm được biểu diễn theo đồ thị sau:

Đồ thị so sánh tiền gốc và lãi A và B nhận được qua từng năm. Đơn vị tính: triệu vnđ

Có thể thấy số tiền gửi ban đầu của B chỉ hơn A 100 triệu, nhưng sau 15 năm, với tác động của lãi kép, số tiền mà B nhận được đã nhiều hơn A là 276 triệu đồng.

Tác động của lãi suất “i”

Ví dụ 2: A đang có số tiền nhàn rỗi 100 triệu, A lên một kế hoạch đầu tư số tiền này trong 10 năm tới vào một trong ba kênh đầu tư sau:

  • Gửi tiết kiệm với lãi suất kép 5%/năm.
  • Đầu tư trái phiếu với lãi suất 8%/năm (tiền lãi từng kỳ sẽ được tiếp tục tái đầu tư vào trái phiếu có cùng mức lãi suất).
  • Đầu tư chứng khoán với mức sinh lời kỳ vọng 12%/năm.

Số tiền gốc và lãi mà A kỳ vọng nhận được theo kế hoạch đầu tư được biểu diễn theo đồ thị bên dưới:

Đồ thị so sánh tiền gốc và lãi nhà đầu tư A nhận được theo từng kênh đầu tư. Đơn vị tính: triệu vnđ

Có thể thấy ở những năm đầu tiên, chênh lệch giữa mức sinh lời của ba kênh đầu tư mang lại là không quá lớn. Nhưng trải qua sau 10 năm, mức sinh lời này đã có sự khác biệt rõ rệt.

Tác động của số kỳ hạn “n”

Số kỳ hạn hay số kỳ tính lãi cũng có thể được hiểu là số lần tiền lãi được tái đầu tư trong suốt khoản thời gian đầu tư, cho vay. Vì phương pháp lãi kép dựa trên lãi nhập gốc và tiếp tục sinh lãi, nên chu kỳ này càng lặp lại nhiều lần thì số tiền lãi tích lũy được sẽ càng lớn.

Để hiểu rõ tác động của số kỳ hạn “n”. Hãy thử so sánh số tiền gốc và lãi nhận được nếu gửi tiết kiệm trong 1 năm với lãi suất 12%/năm và lãi suất 1%/tháng với số tiền 100 triệu. Thoạt nhìn với lãi suất 1%/tháng nếu gửi đủ 12 tháng cũng tương đương với lãi suất 12%/năm. Tuy nhiên với lãi kép, con số  này sẽ rất khác biệt.

Với A1 và A2 là số tiền mà người gửi sẽ nhận được với mức lãi suất lần lượt là 12%/năm và 1%/tháng.

A1 = 100.000.000 vnđ x (1+12%) = 112.000.000 vnđ.

A2 = 100.000.000 vnđ x (1+1%)^12 = 112.682.503 vnđ.

Trong cùng một khoảng thời gian, số kỳ tính lãi khác nhau cũng có thể cho ra kết quả khác nhau.