Lãi suất thả nổi là gì?

...

Lãi suất thả nổi (floating interest rate) là cách tính lãi suất có thể thay đổi theo sự biến động của lãi suất tham chiếu.

Lãi suất thả nổi
💡
Lãi suất thả nổi có thể được điều chỉnh định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.

Lãi suất thả nổi được xác định bằng cách lấy lãi suất tham chiếu cộng với biên độ lãi suất.

Lãi suất thả nổi giúp người đi vay trả ít tiền lãi hơn trong trường hợp lãi suất thị trường giảm. Ngược lại, khi lãi suất thị trường biến động tăng, tiền lãi mà người đi vay phải thanh toán cũng tăng theo.

Lãi suất thả nổi (floating interest rate) là cách tính lãi suất có thể thay đổi theo sự biến động của lãi suất tham chiếu. Lãi suất thả nổi có thể được điều chỉnh định kỳ 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm.

Cách tính lãi suất thả nổi

Lãi suất thả nổi được xác định theo công thức:

Lãi suất thả nổi = Lãi suất tham chiếu + Biên độ lãi suất

Lãi suất tham chiếu thường là lãi suất chuẩn được thừa nhận rộng rãi, chẳng hạn như lãi suất cơ bản hay lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng lớn. Ví dụ lãi suất tham chiếu là trung bình của lãi suất tiết kiệm trong thời hạn 12 tháng tại 3 ngân hàng: Vietcombank, BIDV, Vietinbank.

  • Biên độ lãi suất có thể hiểu là phần trăm chênh lệch giữa lãi suất tham chiếu và lãi suất thả nổi.

Ví dụ về lãi suất thả nổi

Hình minh họa: Lãi suất thả nổi của trái phiếu CTGL2129003 của Vietinbank phát hành ngày 1/7/2021. Nguồn: Công bố thông tin về việc phát hành riêng lẻ trái phiếu Vietinbank đợt 3 năm 2021.

Hình trên là cách tính lãi suất thả nổi được quy định trong phương án phát hành trái phiếu của Vietinbank. Theo điều khoản này, lãi suất thả nổi sẽ được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ lãi suất là 0,8%. Lãi suất tham chiếu được xác định bằng bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, BIDV, Vietcombank và Agribank.

Ngoài ra, lãi suất thả nổi còn có thể được kết hợp với lãi suất cố định như sau:

Khách hàng A vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng với thời hạn 5 năm; theo chính sách ưu đãi, ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất 6%/năm cho khoản vay trong 12 tháng đầu tiên. Mức lãi suất này thấp hơn mặt bằng chung trên thị trường. Sau 12 tháng, lãi vay sẽ được tính theo lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ lãi suất là 4%/năm; lãi suất được điều chỉnh 3 tháng một lần. Lãi suất tham chiếu được lấy là lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại ngân hàng đó.

Với thông tin trên, lãi suất cho khoản vay được tính như sau:

Từ tháng 1 - tháng 12 kể từ thời điểm vay vốn: Lãi suất cố định là 6%/năm.

Tiền lãi vay = Số dư nợ x Lãi suất x Thời hạn khoản vay = 1 tỷ x 6% x 12/12 = 60 triệu đồng.

Từ tháng 13 - tháng 15 kể từ thời điểm vay vốn: Lãi suất vay vốn áp dụng trong khoảng thời gian này = Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại thời điểm tháng thứ 13 + 4%. Giả sử lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại tháng thứ 13 là 5,5%/năm.

Tiền lãi vay = Số dư nợ x Lãi suất x Thời hạn khoản vay = 1 tỷ x (5,5% + 4%) x 3/12 = 23,5 triệu đồng.

Từ tháng 16 - tháng 18 kể từ thời điểm vay vốn: Lãi suất vay áp dụng trong khoảng thời gian này = Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại thời điểm tháng thứ 16 + 4%. Giả sử lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại thời điểm này là 6%/năm.

Tiền lãi vay = Số dư nợ x Lãi suất x Thời hạn khoản vay = 1 tỷ x (6% + 4%) x 3/12 = 25 triệu đồng.

Tiền lãi vay sẽ được tính theo cách trên cho đến ngày đáo hạn khoản vay.

Lãi suất cố định
Lãi suất cố định là mức lãi suất được ấn định cụ thể cho khoản vay và không thay đổi trong suốt thời gian vay.

Ưu - nhược điểm của lãi suất thả nổi

Ưu điểm

Nhìn chung, lãi suất thả nổi thường thấp hơn lãi suất cố định tại cùng thời điểm. Do đó trong thời gian đầu, người vay theo lãi suất thả nổi sẽ có lợi hơn.

Trong trường hợp lãi suất thị trường giảm, người đi vay sẽ được hưởng lợi do lãi vay cũng được điều chỉnh theo.

Nhược điểm

Người đi vay không thể biết một cách chính xác toàn bộ số tiền lãi phải trả trong suốt thời gian vay. Do đó, người đi vay không thể lên kế hoạch trả nợ một cách chính xác, đặc biệt trong trường hợp lãi suất trên thị trường biến động mạnh.

Trong trường hợp lãi suất thị trường biến động tăng, số tiền lãi mà người đi vay phải thanh toán cũng tăng theo.