Lợi thế tuyệt đối là gì?

...

Lợi thế tuyệt đối là khái niệm dùng để chỉ trường hợp một quốc gia có khả năng sản xuất ra lượng sản phẩm lớn hơn các quốc gia khác bằng lượng đầu vào tương tự.

Lợi thế tuyệt đối
💡
Trong quan hệ thương mại giữa các nước, mỗi bên sẽ xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế tuyệt đối và nhập khẩu những sản phẩm kém lợi thế tuyệt đối so với nước kia.

Thuyết lợi thế tuyệt đối đề cao vai trò của cá nhân và các doanh nghiệp, ủng hộ một nền thương mại tự do, không có sự can thiệp của Chính phủ.

Thuyết lợi thế tuyệt đối chỉ có thể giải thích được một phần rất nhỏ trong mậu dịch thế giới ngày nay, ví dụ như giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển.

Tác giả của thuyết Lợi thế tuyệt đối là nhà kinh tế học Scotland Adam Smith (1723 - 1790) - cha đẻ của kinh tế học hiện đại. Ông cho rằng lợi thế tuyệt đối chính là cơ sở của thương mại quốc tế. Trong quan hệ thương mại giữa 2 nước, mỗi bên sẽ xuất khẩu những sản phẩm, dịch vụ mà nó có lợi thế tuyệt đối, đồng thời nhập khẩu những sản phẩm mà nó kém lợi thế tuyệt đối so với nước kia, nhờ vậy mà cả hai nước sẽ cùng có lợi.

Cách giải thích của Adam Smith hết sức đơn giản, dễ hiểu và được thừa nhận khá rộng rãi thời bấy giờ. Tuy nhiên thuyết Lợi thế tuyệt đối lại tỏ ra bất lực trong việc giải thích hiện tượng thương mại quốc tế vẫn diễn ra giữa một nước có lợi thế tuyệt đối hoàn toàn với một nước kém lợi thế hoàn toàn, và bị thay thế bởi thuyết Lợi thế so sánh, do Ricardo đưa ra năm 1817.

Ví dụ về lợi thế tuyệt đối

Với cùng một số lượng nông dân như nhau, diện tích đất canh tác như nhau, mỗi năm Việt Nam sản xuất được 20 tấn gạo trong khi Nhật chỉ sản xuất được 10 tấn, thì có thể nói Việt Nam có lợi thế tuyệt đối so với Nhật về sản xuất gạo.

Ưu điểm và nhược điểm của thuyết Lợi thế tuyệt đối

Ưu điểm

  • Đề cao vai trò của cá nhân và các doanh nghiệp, ủng hộ một nền thương mại tự do, không có sự can thiệp của Chính phủ. Mậu dịch tự do sẽ làm cho thế giới sử dụng tài nguyên có hiệu quả hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn.
  • Thấy được tính ưu việt của chuyên môn hóa. Tuy nhiên, lý thuyết này lại đồng nhất hóa sự phân công lao động quốc tế với sự phân công lao động trong nước mà không tính đến sự khác biệt giữa các quốc gia là rất lớn về thể chế chính trị, về phong tục, tập quán…

Nhược điểm

  • Dùng lợi thế tuyệt đối chỉ có thể giải thích được một phần rất nhỏ trong mậu dịch thế giới ngày nay, ví dụ như giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển.
  • Lý thuyết này không thể giải thích được trong trường hợp một nước được coi là "tốt nhất", tức là quốc gia đó có lợi thế tuyệt đối để sản xuất tất cả các sản phẩm hoặc một nước được coi là "kém nhất", tức là quốc gia đó không có một sản phẩm nào có lợi thế tuyệt đối để sản xuất trong nước.