Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh là gì?

...

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh (Porter's Five Forces) của Michael Porter là mô hình phân tích chiến lược giúp phân tích một số “lực lượng” (forces) quan trọng ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trong một ngành.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh
💡
Mô hình được xây dựng trên giả định có 5 “lực lượng” ảnh hưởng đến sự phát triển, mức độ cạnh tranh, sức hấp dẫn và lợi nhuận của một ngành.

5 lực lượng cạnh tranh gồm: Mức độ tập trung ngành, mối đe dọa từ đối thủ mới, quyền lực từ nhà cung cấp, quyền lực từ khách hàng, mối đe dọa của các sản phẩm thay thế.

Mô hình này giúp nhà quản trị xác định được vị trí của doanh nghiệp trong ngành và đưa ra định hướng, chiến lược cho doanh nghiệp trong tương lai.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh (Porter's Five Forces) của Michael Porter là mô hình phân tích chiến lược giúp phân tích một số “lực lượng” (forces) quan trọng ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trong một ngành. Mô hình này đã được xuất bản trong cuốn sách “Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors” (tựa tiếng Việt: "Chiến lược cạnh tranh - Những kỹ thuật phân tích ngành công nghiệp và đối thủ cạnh tranh") của Michael E. Porter năm 1980.

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh được xây dựng trên giả định có 5 “lực lượng” ảnh hưởng đến sự phát triển, mức độ cạnh tranh, sức hấp dẫn và lợi nhuận của một ngành hoặc thị trường. Dựa vào đó, các nhà quản trị chiến lược xác định được vị trí của doanh nghiệp mình trong ngành. Từ đó đưa ra định hướng, chiến lược để nâng cao vị thế của doanh nghiệp trong tương lai.

5 lực lượng cạnh tranh

Theo Michael Porter, cường độ cạnh tranh trên thị trường trong một ngành sản xuất bất kỳ chịu tác động của 5 lực lượng cạnh tranh sau:

1. Mức độ tập trung trong ngành (Rivalry among existing competitors)

Lực lượng đầu tiên trong năm lực lượng đề cập đến số lượng đối thủ cạnh tranh đang hiện hữu. Số lượng đối thủ cạnh tranh càng lớn, mức độ cạnh tranh cao thì sức mạnh của một doanh nghiệp đơn lẻ càng nhỏ. Trong thị trường này, nếu các sản phẩm, dịch vụ không có sự khác biệt đáng kể, người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua các sản phẩm, dịch vụ có giá rẻ nhất. Từ đó có thể dẫn đến cuộc chiến về giá giữa các doanh nghiệp trong ngành. Ngược lại, khi mức độ cạnh tranh thấp, một doanh nghiệp có quyền lực lớn hơn để tính giá cao hơn và đặt ra các điều khoản thỏa thuận để đạt được doanh số và lợi nhuận cao hơn.

2. Mối đe dọa từ đối thủ mới (Threat of entry)

Vị thế của một doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi những doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường. Nếu một thị trường (hoặc một ngành) có nhiều cơ hội sinh lời và không có rào cản gia nhập, sự cạnh tranh sẽ sớm gia tăng khi các đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn nhận thấy cơ hội từ ngành đó.

Các ngành có rào cản gia nhập cao (ví dụ: các ngành yêu cầu chi phí cố định lớn như sản xuất máy bay, ô tô…) thông thường sẽ có mức độ cạnh tranh thấp. Do đó, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng chi phối giá sản phẩm, từ đó đạt được lợi nhuận cao.

3. Quyền lực của nhà cung cấp (Power of suppliers)

Yếu tố tiếp theo trong mô hình đề cập đến việc các nhà cung cấp có thể dễ dàng tăng chi phí đầu vào (hay khả năng “ép” giá) như thế nào. Điều này được quyết định bởi các yếu tố như số lượng nhà cung cấp các yếu tố đầu vào chính (trọng yếu) của hàng hóa hoặc dịch vụ, tính khác biệt của các yếu tố đầu vào này và chi phí chuyển đổi mà doanh nghiệp phải chịu khi chuyển sang nhà cung cấp khác.

Số lượng nhà cung cấp càng ít thì các doanh nghiệp càng có ít lựa chọn thay thế. Nhà cung cấp càng có nhiều ưu thế trong việc đàm phán chính sách giá. Mặt khác, khi có nhiều nhà cung cấp hoặc chi phí chuyển đổi thấp giữa các nhà cung cấp, doanh nghiệp có thể giữ cho chi phí đầu vào thấp hơn và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

4. Quyền lực của khách hàng (Power of buyer)

“Lực lượng” này đề cập đến việc khách hàng có khả năng gây áp lực tới giá sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Khách hàng càng có nhiều lựa chọn thì vị thế của khách hàng càng lớn, càng có nhiều lợi thế trong việc đàm phán chính sách giá.

“Lực lượng” này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: số lượng khách hàng mà doanh nghiệp có, mức độ quan trọng của mỗi khách hàng và chi phí mà doanh nghiệp phải trả để tìm kiếm khách hàng hoặc thị trường mới.

5. Mối đe dọa của các sản phẩm thay thế (Threat of substitutes)

Lực lượng cuối cùng trong năm lực lượng tập trung vào các sản phẩm thay thế. Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ không có (hoặc có ít) sản phẩm thay thế sẽ có nhiều quyền lực hơn để tăng giá và đưa ra các điều kiện bán hàng có lợi cho mình.

Ngược lại, khi có nhiều sản phẩm thay thế, khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt, những sản phẩm thay thế thường có tính năng, chất lượng tốt hơn với giá thành tương đương hoặc thấp hơn do sản phẩm thay thế là kết quả của những cải tiến về công nghệ. Vì vậy mà sự xuất hiện của các sản phẩm thay thế sẽ làm giảm lượng hàng bán ra của doanh nghiệp, từ đó làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Ví dụ về mô hình 5 lực lượng cạnh tranh

Phân tích mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Coca Cola.

Mức độ tập trung trong ngành:

Hai “người chơi” chính trong ngành là Coca Cola và Pepsi. Lực lượng cạnh tranh trong ngành cũng chỉ tập trung vào hai thương hiệu này, ngoài ra vẫn tồn tại một số thương hiệu nhỏ khác nhưng không gây ra áp lực cạnh tranh lớn.

Mối đe dọa từ đối thủ mới

Trong ngành công nghiệp đồ uống có một số “rào cản” ngăn các thương hiệu mới tham gia như chi phí sản xuất, tiếp thị đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Ngoài khó khăn về chi phí đầu tư, các doanh nghiệp mới gia nhập cần phải tính toán đến thời gian để xây dựng thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu của họ.

Quyền lực của nhà cung cấp

Sức mạnh của nhà cung ứng trong trường hợp này là rất yếu. Bởi Coca Cola có thể dễ dàng chuyển đổi từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác, nhưng không có nhà cung cấp nào có thể chuyển đổi khỏi Coca Cola một cách dễ dàng.

Quyền lực của khách hàng

Sức mạnh khách hàng cá nhân trong trường hợp Coca Cola là thấp. Khách hàng cá nhân thông thường sẽ mua sản phẩm với số lượng ít và không tập trung ở một thị trường cụ thể nào.

Mối đe dọa của các sản phẩm thay thế

Sản phẩm thay thế chính của các sản phẩm Coca Cola là đồ uống được sản xuất bởi Pepsi. Số lượng sản phẩm thay thế của Coca Cola rất cao, chi phí chuyển đổi thấp cho khách hàng. Chất lượng của các sản phẩm thay thế nhìn chung đều tốt. Vì vậy, dựa trên những yếu tố này, mối đe dọa từ các sản phẩm thay thế là rất cao.