Niêm yết chứng khoán là gì?

...

Niêm yết chứng khoán là quá trình đưa các chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện vào giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán.

Niêm yết chứng khoán
💡
Chứng khoán được niêm yết bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng dạng đóng và các loại chứng khoán khác.

Hiện nay tại Việt Nam có 2 Sở giao dịch chứng khoán chính, đó là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM.

Niêm yết chứng khoán giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn, tăng thêm uy tín đối với nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chi phí niêm yết thường khá tốn kém. Doanh nghiệp phải chịu áp lực từ nghĩa vụ công bố thông tin và các ràng buộc khác sau khi niêm yết.

Niêm yết chứng khoán (Listing of Securities) là quá trình đưa các chứng khoán đáp ứng đủ điều kiện vào giao dịch tập trung trên Sở giao dịch chứng khoán. Cụ thể, đây là quá trình Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận cho chứng khoán của công ty được phép niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.

Chứng khoán được niêm yết bao gồm: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đại chúng dạng đóng và các loại chứng khoán khác được chấp thuận niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán.

Phân loại niêm yết chứng khoán

Niêm yết lần đầu (Initial Listing): là việc cho phép chứng khoán của tổ chức phát hành được đăng ký niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng (IPO).

Niêm yết bổ sung (Additional Listing): là việc công ty đã niêm yết làm thủ tục niêm yết bổ sung các chứng khoán mới phát hành. Các chứng khoán này thường là cổ phiếu mới phát hành với mục đích tăng vốn hay vì các mục đích khác như sáp nhập, chi trả cổ tức, thực hiện quyền mua hoặc thực hiện quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu…

Thay đổi niêm yết (Change Listing): Thay đổi niêm yết phát sinh khi công ty niêm yết thay đổi tên chứng khoán giao dịch, khối lượng, mệnh giá hoặc tổng giá trị chứng khoán được niêm yết của mình.

Niêm yết lại (Relisting): là việc cho phép công ty được niêm yết trở lại các chứng khoán trước đây đã bị huỷ niêm yết vì các lý do không đáp ứng được các điều kiện của Sở giao dịch chứng khoán.

Niêm yết cửa sau (Back door Listing): là việc một công ty được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán nhờ vào việc mua lại hoặc sáp nhập với một công ty đã niêm yết khác.

Niêm yết toàn bộ và niêm yết từng phần (Dual Listing & Partial listing): Niêm yết toàn phần là việc niêm yết tất cả các cổ phiếu sau khi đã phát  hành ra công chúng. Niêm yết từng phần là việc niêm yết một phần trong tổng số chứng khoán đã phát hành của lần phát hành đó, phần còn lại không hoặc chưa được niêm yết.

Ưu điểm và hạn chế của việc niêm yết chứng khoán

Ưu điểm

Đối với tổ chức phát hành

  • Giúp nâng cao uy tín của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư do các thông tin được công bố công khai, minh bạch.
  • Giao dịch thuận lợi hơn thông qua cơ chế giao dịch tập trung, từ đó tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán.
  • Giúp doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn.

Đối với nhà đầu tư

  • Nhà đầu tư được hạn chế các rủi ro do chứng khoán được quản lý chặt chẽ bởi Sở giao dịch chứng khoán.
  • Giúp nhà đầu tư nắm bắt được kịp thời và đầy đủ các thông tin về các hoạt động của tổ chức phát hành.
  • Các giao dịch đối với chứng khoán niêm yết diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Hạn chế

  • Chi phí niêm yết khá tốn kém: để chứng khoán có thể niêm yết được, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều khoản chi phí như hội họp, thuê tư vấn, kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, quảng cáo.
  • Chịu nhiều nghĩa vụ công bố thông tin và các ràng buộc khác theo quy định của Sở giao dịch chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà Nước,...
  • Cổ đông sáng lập có thể bị mất quyền kiểm soát: sau khi niêm yết, việc giao dịch chứng khoán khiến cơ cấu cổ đông thường thay đổi, dẫn đến sự biến đổi và bất ổn định trong quá trình quản lý doanh nghiệp và có thể đe dọa đến quyền kiểm soát của các cổ đông sáng lập.