Phá giá tiền tệ là gì?

...

Phá giá tiền tệ là biện pháp chủ động làm giảm giá trị đồng nội tệ so với ngoại tệ.

Phá giá tiền tệ
💡
Có thể hiểu việc phá giá VND so với USD chính là làm giảm giá trị của VND so với đồng ngoại tệ là USD.

Có hai trường hợp phá giá tiền tệ: phá giá chủ động và phá giá bị động.

Phá giá tiền tệ có thể làm cải thiện cán cân thương mại của quốc gia, thu hẹp thâm hụt thương mại, nhưng đồng thời cũng làm tăng áp lực lên nợ công và gây bất ổn trên thị trường.

Phá giá tiền tệ (Currency Devaluation) là biện pháp chủ động làm giảm giá trị tiền tệ của một quốc gia so với ngoại tệ, làm cho tỷ giá hối đoái tăng lên.

Có thể hiểu việc phá giá VND so với USD chính là làm giảm giá trị của VND so với đồng ngoại tệ  là USD. Lúc này 1 USD sẽ đổi được nhiều VND hơn.

Các trường hợp phá giá tiền tệ

Phá giá chủ động: là trường hợp chính phủ một quốc gia chủ động sử dụng các biện pháp phá giá nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác một cách nhanh chóng. Chính sách này thường được áp dụng khi cán cân thương mại của quốc gia đó đang chịu cú sốc mạnh và kéo dài.

Phá giá bị động: trong trường hợp nhu cầu về nội tệ giảm thì chính phủ sẽ phải dùng đến ngoại tệ dự trữ để mua nội tệ vào nhằm duy trì tỷ giá hối đoái. Đến khi cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại tệ thì không còn cách nào khác, chính phủ phải phá giá tiền tệ (để cho đồng nội tệ bị giảm giá trị).

Tác động của việc phá giá tiền tệ

Thu hẹp thâm hụt thương mại: thâm hụt thương mại xảy ra khi tổng giá trị xuất khẩu của một quốc gia thấp hơn tổng giá trị nhập khẩu. Hệ quả của việc phá giá tiền tệ là làm tăng xuất khẩu và giảm nhập khẩu - do giá hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn, và giá hàng nhập khẩu đắt hơn. Điều này tạo điều kiện cho cán cân thanh toán được cải thiện, dẫn đến thu hẹp thâm hụt thương mại.

Tăng áp lực nợ công: thông thường các khoản nợ công của chính phủ được tính bằng đồng ngoại tệ. Việc phá giá tiền tệ có thể khiến số tiền lãi của những món nợ đó trở nên đắt hơn.

Tăng sự bất ổn trên thị trường: phá giá tiền tệ cũng có thể làm tăng "sự không chắc chắn" - tính bất ổn trên thị trường. Việc này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cung và cầu do thiếu niềm tin của người tiêu dùng. Hơn nữa, phá giá tiền tệ cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại.

Ví dụ về phá giá tiền tệ

Trước khi phá giá, 1 đồng USD chỉ đổi được trung bình 6,8 đồng CNY (Nhân dân tệ). Sau khi đồng CNY bị phá giá, 1 USD đã đổi được hơn 7 đồng CNY.

Ở chiều xuất khẩu

Giả sử 1 quả trứng ở Trung Quốc có giá 1 CNY. Với 10 USD trước đó chỉ mua được 68 quả thì nay mua được 70 quả.

Nếu trước đó một doanh nghiệp Mỹ có thể mua 69 quả trứng với 10 USD ở quốc gia nào đó (rẻ hơn Trung Quốc trước đây) thì giờ doanh nghiệp đó có thể sẽ cân nhắc sang Trung Quốc mua trứng.

Ở chiều nhập khẩu

Giả sử trước đây người Trung Quốc có thể dùng 68 CNY để mua 1 kg bò Mỹ giá 10 USD, thì giờ phải mấy đến hơn 70 CNY. Người dân Trung Quốc thay vì mua thịt bò từ Mỹ với giá 70 CNY thì nay sẽ mua thịt bò được sản xuất trong nước với giá chỉ 69 CNY. Việc phá giá tiền tệ cũng làm cho lượng nhập khẩu hàng hóa giảm do giá cả hàng hóa tăng lên so với hàng nội địa.

Những đợt phá giá tiền tệ của các nền kinh tế

  • Trung Quốc đã phá giá đồng tiền của mình hai lần ở mức 1,9% và 1% trong vòng hai ngày vào tháng 7 năm 2015. Vào ngày 5/8/2019, Trung Quốc đã tiếp tục phá giá đồng tiền của mình để đáp lại việc Hoa Kỳ áp đặt thuế quan thương mại.
  • Ấn Độ đã phá giá đồng tiền của mình đến 35% vào năm 1966.
  • Mexico đã phá giá đồng tiền của mình so với đồng USD vào năm 1994.