Phân tích chiến lược là gì?

...

Phân tích chiến lược (Strategic analysis) là quá trình nghiên cứu về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh xung quanh doanh nghiệp đó để hình thành nên các chiến lược.

Phân tích chiến lược
💡
Mục đích chính của phân tích chiến lược là hình thành các phương án chiến lược khác nhau, giúp nhà quản trị có thể lựa chọn được chiến lược phù hợp nhất.

Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải liên tục thay đổi các chiến lược đề phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Các mô hình phân tích chiến lược phổ biến có thể kể đến như: mô hình SWOT, ma trận BCG, mô hình PEST - PESTLE, mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter.

Phân tích chiến lược (Strategic analysis) là quá trình nghiên cứu về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh xung quanh doanh nghiệp đó để hình thành nên các chiến lược.

Mục đích chính của phân tích chiến lược là hình thành các phương án chiến lược khác nhau. Từ đó, nhà quản trị có thể lựa chọn được chiến lược phù hợp nhất với điều kiện chủ quan và khách quan của doanh nghiệp mình.

Các bước thực hiện phân tích chiến lược

Việc phân tích chiến lược có thể được thực hiện theo những bước sau đây.

Bước 1: Phân tích chiến lược hiện tại

Ngay từ đầu, doanh nghiệp cần phải tiến hành phân tích chiến lược đang áp dụng các yếu tố có thể tác động đến chiến lược. Các yếu tố này bao gồm yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.

Yếu tố bên trong bao gồm: tình hình hoạt động kinh doanh, tinh thần làm vệc của nhân viên và các vấn đề về tài chính của doanh nghiệp,...

Yếu tố bên ngoài thường là: các yếu tố về chính trị, sự chuyển dịch của nền kinh tế và sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng.

Bước 2: Xác định tính hiệu quả của các chiến lược hiện tại

Mục đích chính của phân tích chiến lược là xác định các chiến lược đang được áp dụng có hiệu quả trong điều kiện hiện tại hay không. Xác định được tính hiệu quả sẽ giúp nhà quản lý trả lời những câu hỏi như:

  • Chiến lược của chúng ta có đang đi đến thành công hay không?
  • Liệu rằng chúng ta có đạt được các mục tiêu đã đề ra không?
  • Chiến lược của chúng ta có phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp hay không?

Bước 3: Xây dựng kế hoạch

Nếu câu trả lời cho các câu hỏi được đặt ra trong bước 2 là “không” hoặc “không chắc”, chứng tỏ rằng các chiến lược hiện tại đang tỏ ra không hiệu quả hoặc không phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp. Lúc này, doanh nghiệp cần phải điều chỉnh hoặc thay thế chiến lược mới.

Các nhà phân tích sẽ xây dựng và đề xuất các phương án thay thế khác nhau. Các phương án thay thế có thể bao gồm những thay đổi về cấu trúc vốn, những thay đổi trong quản lý chuỗi cung ứng hoặc bất kỳ giải pháp thay thế nào khác cho quy trình kinh doanh.

Bước 4: Đề xuất và thực hiện phương án khả thi nhất

Cuối cùng, sau khi đánh giá tất cả các phương án, các nhà phân tích đề xuất chiến lược khả thi và có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải liên tục thay đổi các chiến lược đề phù hợp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Các mô hình phân tích chiến lược

Phân tích SWOT

SWOT là tập hợp viết tắt những chữ cái đầu tiên của các từ tiếng Anh: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (thách thức).

SWOT là một mô hình tập hợp tất cả các phân tích yếu tố môi trường bên ngoài và yếu tố nội bộ của doanh nghiệp.

Ma trận BCG

Còn được gọi là ma trận quan hệ tăng trưởng và thị phần (growth/share matrix) là một trong những mô hình phân tích chiến lược phổ biến. Nguyên tắc cơ bản của ma trận này chính là đề cập đến khả năng tạo ra tiền thông qua việc phân tích các danh mục sản phẩm của doanh nghiệp và đặt vào các ô trong ma trận:

  • Cows (bò): Đại diện cho những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng thấp, nhưng vẫn chiếm thị phần lớn trên thị trường.
  • Dogs (chó): Đại diện cho những sản phẩm rơi vào thị trường kém hấp dẫn, có thị phần thấp trong các thị trường đó.
  • Stars (ngôi sao): Đại diện cho những sản phẩm có thể cạnh tranh tốt trên thị trường, vốn có những đối thủ cạnh tranh mạnh khác.
  • Question marks (dấu chấm hỏi): Đại diện cho những sản phẩm nằm ở thị trường có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng lại chỉ chiếm thị phần hạn hẹp.

Mô hình PEST

PEST là một cách phân tích bức tranh toàn cảnh về những thay đổi trong ngành để xác định các cơ hội tăng trưởng.

PEST là các chữ viết tắt của:

  • Political Factors (Các yếu tố Chính trị- Luật pháp)
  • Economics Factors (Các yếu tố Kinh tế)
  • Social Factors (Các yếu tố Văn hóa- Xã Hội)
  • Technological Factors (Các yếu tố Công nghệ)

Một biến thể của PEST là PESTLE, trong đó bao gồm thêm các khía cạnh về pháp lý (Legal) và môi trường (Environmental).

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter

Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh (Porter's Five Forces) của Michael Porter là mô hình phân tích chiến lược giúp phân tích các “lực lượng” (forces) quan trọng ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trong một ngành. Mô hình cho biết liệu một doanh nghiệp có nên gia nhập ngành hay không và các rủi ro gia nhập ngành.

5 lực lượng cạnh tranh gồm:

  • Mức độ tập trung ngành;
  • Mối đe dọa từ đối thủ mới;
  • Quyền lực từ nhà cung cấp;
  • Quyền lực từ khách hàng;
  • Mối đe dọa của các sản phẩm thay thế.