Pháp nhân là gì?

...

Pháp nhân (juridical personality, legal personality) là một con người “pháp lý” được tạo ra và công nhận bởi pháp luật.

Pháp nhân
💡
Pháp nhân là một khái niệm thường xuất hiện trong các văn bản luật, dùng để phân biệt với “thể nhân” hay cá nhân và các tổ chức khác - không phải là pháp nhân.

Theo pháp luật Việt Nam, pháp nhân là tổ chức đáp ứng đủ đầy đủ 4 điều kiện: được thành lập hợp pháp, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó, nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Theo luật Dân sự Việt Nam hiện hành, pháp nhân được phân định thành hai loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

Pháp nhân (juridical personality, legal personality) là một con người “pháp lý” được tạo ra và công nhận bởi pháp luật. Pháp nhân có thể hiểu một tổ chức có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật.

Pháp nhân là một khái niệm thường xuất hiện trong các văn bản luật, dùng để phân biệt với “thể nhân” hay cá nhân và các tổ chức khác - không phải là pháp nhân.

Theo pháp luật Việt Nam, pháp nhân là tổ chức đáp ứng đủ đầy đủ 4 điều kiện sau:

  1. Được thành lập hợp pháp;
  2. Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ;
  3. Có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó;
  4. Nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Đặc điểm của pháp nhân

Dựa trên khái niệm về pháp nhân trong quy định của pháp luật Việt Nam, có thể thấy một số đặc điểm để tổ chức được công nhận là pháp nhân gồm:

Tổ chức được thành lập hợp pháp

Việc đăng ký thành lập pháp nhân phải được công bố công khai, bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi và đăng ký khác theo quy định của pháp luật.

Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt. Tên phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.

Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong các giao dịch dân sự.

Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ

Pháp nhân phải có điều lệ hoạt động rõ ràng. Điều lệ của pháp nhân do các sáng lập viên xây dựng.

Pháp nhân phải có bộ máy điều hành bao gồm các bộ phận, phòng ban được phân chia cụ thể. Việc phân công chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng bộ phận, phòng ban được quy định rõ ràng trong điều lệ hoặc trong quyết định thành lập.

Có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình

Pháp nhân có tài sản độc lập, nghĩa là tài sản đó phải tách bạch với tài sản của những người sở hữu pháp nhân. Ví dụ A, B, C cùng góp vốn bằng tiền và quyền sử dụng đất để thành lập công ty XYZ, là một pháp nhân. Sau khi được thành lập, phần góp vốn gồm tiền và quyền sử dụng đất đó sẽ trở thành tài sản độc lập của công ty XYZ chứ không còn thuộc về A, B, C nữa.

Có quyền nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập

Một pháp nhân có thể tự nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật. Ví dụ trong hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh, công ty XYZ tham gia với tư cách là bên đi thuê. Tuy nhiên, để làm được điều này, công ty XYZ phải cử một hoặc nhiều người làm đại diện để tiến hành đàm phán và ký kết hợp đồng.

Pháp nhân có con dấu riêng do người đại diện quản lý và sử dụng. Con dấu có giá trị xác nhận tính pháp lý của văn bản, tài liệu do pháp nhân ban hành.

Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Người đại diện này do các sáng lập viên bầu chọn hoặc chỉ định trong điều lệ. Nếu pháp nhân được thành lập bởi cơ quan nhà nước thì do cơ quan nhà nước chỉ định, bổ nhiệm.

Phân loại pháp nhân

Theo luật Dân sự Việt Nam hiện hành, pháp nhân được phân định thành hai loại: pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại.

Pháp nhân thương mại

Là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được phân chia cho các thành viên.

Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

Pháp nhân phi thương mại

Là pháp được thành lập không mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

Pháp nhân phi thương mại bao gồm:

  • Cơ quan nhà nước,
  • Đơn vị vũ trang nhân dân,
  • Tổ chức chính trị,
  • Tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp,
  • Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp,
  • Quỹ xã hội,
  • Quỹ từ thiện,
  • Doanh nghiệp xã hội,
  • Các tổ chức phi thương mại khác.

Những loại hình doanh nghiệp có tư cách pháp nhân

Những loại hình doanh nghiệp được pháp luật thừa nhận có tư cách pháp nhân gồm:

  1. Công ty cổ phần,
  2. Công ty TNHH,
  3. Công ty hợp danh.