Quản trị rủi ro là gì?

...

Quản trị rủi ro là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu tác động bất lợi mà rủi ro đó mang lại.

Quản trị rủi ro
💡
Các phương pháp ứng phó với rủi ro có thể kể đến như: né tránh, kiểm soát, chấp nhận và chuyển giao rủi ro.

Cơ chế quản trị rủi ro tốt giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, không bị gián đoạn hoạt động và ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Quản trị rủi ro tốt cũng giúp doanh nghiệp có được lòng tin của các nhà đầu tư, vốn luôn e ngại rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp.

Quản trị rủi ro (Risk Management) là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận diện, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi mà rủi ro đó mang lại.

Các phương pháp ứng phó với rủi ro

Né tránh rủi ro: Một doanh nghiệp cố gắng loại bỏ một rủi ro cụ thể bằng cách loại bỏ nguyên nhân của nó.

Kiểm soát rủi ro: Là các biện pháp nhằm hạn chế tối đa các tổn thất có thể xảy ra.

Chấp nhận rủi ro: Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể buộc phải chấp nhận rủi ro. Chấp nhận rủi ro được chia làm 2 nhóm chính là chấp nhận rủi ro thụ động và chủ động.

  • Chấp nhận thụ động là việc không có sự chuẩn bị trước mà chỉ khi rủi ro xảy ra thì mới tìm kiếm các nguồn tài chính để khắc phục, bù đắp.
  • Chấp nhận chủ động là việc doanh nghiệp đã lập ra quỹ dự trữ, quỹ dự phòng. Các khoản dự phòng này sẽ có tác dụng làm giảm thiểu tác động của rủi ro nếu nó xảy ra.

Chuyển giao rủi ro: đây được xem là phương pháp ứng phó rủi ro lý tưởng nhất. Theo phương pháp này, rủi ro khi xảy ra sẽ được chuyển giao cho một hoặc nhiều chủ thể khác, thường là các công ty bảo hiểm.

Quy trình quản trị rủi ro

Thông thường, quy trình quản lý rủi ro thường gồm 4 bước dưới đây.

Bước 1: Nhận diện rủi ro

Ở bước này, doanh nghiệp phát hiện được các sự kiện có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chiến lược, hoạt động sản xuất, kinh doanh …; Sau khi có danh sách các sự kiện thì phân chia thành rủi ro cấp doanh nghiệp, rủi ro cấp đơn vị và phân nhóm chúng để quản lý.

Bước 2: Đánh giá rủi ro

Ở bước này, doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro có khả năng xảy ra hay không và ảnh hưởng của chúng như thế nào, đồng thời xem xét các biện pháp kiểm soát rủi ro có thể thực hiện.

Bước 3: Ứng phó rủi ro

Đây là bước doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các giải pháp, hành động cụ thể để né tránh hoặc làm giảm thiểu tác động của rủi ro xuống mức có thể chấp nhận được.

Bước 4: Giám sát và báo cáo

Ở bước này, doanh nghiệp sẽ giám sát, báo cáo về hoạt động quản lý rủi ro và những thay đổi có thể ảnh hưởng đến hệ thống quản lý rủi ro.

Tầm quan trọng của quản trị rủi ro

Quản trị rủi ro cung cấp các thông tin về các rủi ro và biện pháp khắc phục cho ban giám đốc để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn.

Quản trị rủi ro còn hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đặt ra nhờ vào việc đánh giá khả năng xảy ra, mức độ ảnh hưởng của các tình huống xấu nhất, đồng thời giúp doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.

Đối với các doanh nghiệp phải kêu gọi vốn đầu tư thì quản trị rủi ro tốt sẽ giúp tạo dựng lòng tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư, vốn luôn e ngại rủi ro khi đầu tư vào doanh nghiệp.