ROA là gì?

...

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (Return on Asset - viết tắt: ROA) là chỉ số cho thấy mức độ hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản để tạo ra lợi nhuận.

ROA
💡
ROA là một trong các chỉ số đánh giá mức độ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Chỉ số ROA xác định “với 1 đồng tài sản, doanh nghiệp tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận”.

Có thể dùng ROA để so sánh các doanh nghiệp cùng ngành với nhau để chọn ra doanh nghiệp có lợi thế kinh doanh tốt hơn.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) là chỉ số phản ánh mối quan hệ giữa tài sản và lợi nhuận của doanh nghiệp. Chỉ số này cho thấy doanh nghiệp có đang sử dụng tài sản một cách hiệu quả hay không. ROA được tính bằng cách lấy lợi nhuận ròng của doanh nghiệp chia cho tổng tài sản. ROA chỉ ra rằng: “Với 1 đồng tài sản thì doanh nghiệp sẽ tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận”.

Chỉ số ROA càng cao cho thấy hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp càng cao.

Cách tính ROA

Để tính ROA ta cần có số liệu Lợi nhuận ròng và Tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp..

Có thể dễ dàng tìm được số liệu lợi nhuận ròng và tổng tài sản trong Báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp.

Tổng tài sản bình quân được sử dụng để tính ROA vì tổng tài sản thể hiện trên Báo cáo tài chính chỉ là số liệu được ghi nhận tại thời điểm lập báo cáo. Trên thực tế, trong suốt quá trình kinh doanh, tài sản của doanh nghiệp luôn luôn thay đổi. Vì thế việc lấy số liệu tổng tài sản bình quân cho một quá trình kinh doanh sẽ chính xác hơn việc lấy số liệu tổng tài sản tại một thời điểm.

Để tính tổng tài sản bình quân, ta tính trung bình cộng của tổng tài sản ("TTS") ở đầu kỳ và tổng tài sản cuối kỳ của doanh nghiệp.

TTS bình quân = (TTS đầu kỳ + TTS cuối kỳ) / 2

Từ đó ta xác định được chỉ số ROA qua công thức:

ROA = Lợi nhuận ròng / TTS bình quân

Ưu điểm và hạn chế của ROA

Ưu điểm

Dễ tính toán, các số liệu dùng để tính ROA đều có thể tìm được trên Báo cáo tài chính.

ROA cũng cho nhà đầu tư và nhà quản lý doanh nghiệp thấy được doanh nghiệp có đang sử dụng hiệu quả tài sản hay không.

Vì cách tính ROA khá đơn giản nên chỉ số này được các nhà đầu sử dụng rộng rãi như là một công cụ sàng lọc cổ phiếu.

Hạn chế

Chỉ số ROA không thể được sử dụng rộng rãi cho các ngành. Vì mỗi ngành đều có tính đặc thù khác nhau nên cơ cấu tài sản cũng khác nhau.

Lợi nhuận ròng dùng để tính ROA có thể bao gồm cả các lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động kinh doanh chính như lợi nhuận từ đầu tư. Do đó chỉ số này không thể hiện được khả năng tạo ra lợi nhuận từ hỏa động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Ví dụ về phép tính ROA

Tính chỉ số ROA của CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk trong năm 2020.

Tại BCTC của Vinamilk trong năm 2020 ta có các số liệu sau:

Lợi nhuận ròng: 11.236 tỷ đồng.

Tổng tài sản tại ngày 31/12/2020 là: 48.432 tỷ đồng.

Tổng tài sản tại ngày 31/12/2019 là:  44.700 tỷ đồng.

Từ dữ kiện trên ta có thể tinh được:

Tổng tài sản bình quân = (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ) / 2 = (44.700 + 48.432) /2 = 46.566 tỷ đồng
ROA = Lợi nhuận ròng / Tổng tài sản bình quân = 11.236 / 46.566 = 0,2413 = 24,13%