Rủi ro hệ thống là gì?

...

Rủi ro hệ thống (Systematic risk) là loại rủi ro xảy ra do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của cá nhân hay doanh nghiệp, có sức ảnh hưởng rộng đến toàn bộ thị trường.

Rủi ro hệ thống
💡
Rủi ro hệ thống là những rủi ro không thể kiểm soát được, gây ra bởi các yếu tố bên ngoài doanh nghiệp và có sức ảnh hưởng rộng.

Rủi ro hệ thống bao gồm: rủi ro thị trường, rủi ro sức mua (rủi ro lạm phát), rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá.

Trái ngược với rủi ro hệ thống là rủi ro phi hệ thống, chỉ những rủi ro chỉ xảy ra với một doanh nghiệp hay một ngành cụ thể.

Rủi ro hệ thống là gì?

Rủi ro hệ thống là những rủi ro gây ra bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp, như là các sự kiện chính trị, suy thoái kinh tế, biến động lãi suất, tỷ giá,.. Các sự kiện này tác động đến toàn bộ thị trường, thường không thể dự đoán và khó tránh khỏi.

Rủi ro hệ thống tác động trên diện rộng lên toàn bộ thị trường. Các nhà đầu tư không thể loại bỏ rủi ro này thông qua đa dạng hóa danh mục đầu tư trên cùng một thị trường. Tuy nhiên nhà đầu tư có thể giảm thiểu phần nào tác động của nó thông qua phân bổ tài sản trên nhiều thị trường khác nhau.

Rủi ro phi hệ thống
Rủi ro phi hệ thống (Unsystematic Risk) là loại rủi ro chỉ tác động đến đơn lẻ một công ty hoặc một nhóm nhỏ các công ty. Loại rủi ro này do các yếu tố nội tại của công ty gây ra và nó có thể kiểm soát được.

Các loại rủi ro hệ thống

Rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường bắt nguồn từ tâm lý đám đông của nhà đầu tư tác động lên giá của tài sản trên thị trường. Trong thị trường giảm, ngay cả giá cổ phiếu của các công ty đang hoạt động tốt cũng giảm theo. Rủi ro thị trường chiếm phần lớn tổng rủi ro hệ thống. Do đó, đôi khi rủi ro hệ thống còn được gọi là rủi ro thị trường.

Rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất phát sinh do sự thay đổi của lãi suất thị trường. Trên thực tế, rủi ro lãi suất bao gồm hai thành phần đối lập nhau: Rủi ro giá cả và Rủi ro tái đầu tư. Cả hai rủi ro này đều hoạt động theo hai hướng trái ngược nhau.

Rủi ro về giá có liên quan đến những thay đổi về giá của một chứng khoán do sự thay đổi của lãi suất. Rủi ro tái đầu tư gắn liền với việc tái đầu tư thu nhập từ lãi / cổ tức. Nếu rủi ro giá là âm (tức là giảm giá), rủi ro tái đầu tư sẽ dương (tức là tăng thu nhập trên số tiền tái đầu tư). Thay đổi lãi suất là nguồn rủi ro chính đối với các chứng khoán có thu nhập cố định như trái phiếu.

Rủi ro sức mua

Rủi ro sức mua nguyên nhân do lạm phát. Lạm phát là sự gia tăng liên tục và kéo dài của mặt bằng giá chung. Lạm phát làm giảm sức mua của tiền, tức là cùng một lượng tiền có thể mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn do giá cả tăng lên. Do đó, nếu thu nhập của nhà đầu tư không tăng trong thời điểm lạm phát gia tăng, thì thực tế nhà đầu tư đang thua lỗ.

Rủi ro tỷ giá

Trong nền kinh tế toàn cầu, hầu hết các doanh nghiệp đều phải sử dụng ngoại tệ. Rủi ro tỷ giá hối đoái là sự không chắc chắn liên quan đến sự thay đổi giá trị của ngoại tệ. Do đó, loại rủi ro này thường tác động mạnh đến các doanh nghiệp có giao dịch bằng ngoại tệ như các công ty xuất khẩu, tập đoàn đa quốc gia, hoặc các công ty sử dụng nguyên liệu hoặc sản phẩm nhập khẩu.

Ví dụ về rủi ro hệ thống

Hàng loạt cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh trong năm 2018. Nguyên nhân của sự sụt giảm này có đóng góp từ các yếu tố rủi ro hệ thống như:

(1) Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung gây ra sự bất ổn vĩ mô;

(2) Đồng USD trên đà tăng mạnh, kéo theo các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn để bảo toàn lợi nhuận đang bị giảm do sự mất giá của Việt Nam đồng.