Rủi ro lãi suất là gì?

...

Rủi ro lãi suất (Interest Rate Risk) là rủi ro phát sinh từ sự thay đổi của lãi suất ảnh hưởng đến các khoản đầu tư.

Rủi ro lãi suất
💡
Rủi ro lãi suất không phải lúc nào cũng xấu. Trên thực tế, biến động của lãi suất sẽ tác động khác nhau đối với người đi vay và người cho vay.

Khi lãi suất tăng, người nắm giữ trái phiếu, hay bên cho vay sẽ gặp bất lợi vì lãi suất tăng sẽ làm ảnh hưởng đến giá trái phiếu. Ngược lại, trong trường hợp lãi suất giảm, người đi vay sẽ gặp bất lợi do chi phí lãi vay không được giảm.

Rủi ro lãi suất sẽ bao gồm hai thành phần đối lập nhau: Rủi ro giá cả và Rủi ro tái đầu tư. Cả hai rủi ro này đều hoạt động theo hai hướng trái ngược nhau.

Rủi ro lãi suất (Interest Rate Risk) là rủi ro phát sinh từ sự thay đổi của lãi suất ảnh hưởng đến các khoản đầu tư. Rủi ro lãi suất là một hình thức của rủi ro hệ thống.

Ví dụ, khi lãi suất tăng, giá trị của một trái phiếu hoặc các khoản đầu tư có thu nhập cố định sẽ giảm xuống.

Nguyên nhân của rủi ro lãi suất

Đối với giá của các chứng khoán có thu nhập cố định - như trái phiếu, khi lãi suất thị trường tăng, giá trái phiếu sẽ có xu hướng giảm và ngược lại. Điều này được giải thích khi lãi suất tăng, khiến cho mức lãi suất cố định của các trái phiếu đã phát hành trước đó trở nên kém hấp dẫn. Do đó, nhà đầu tư có xu hướng bán ra các loại trái phiếu cũ và mua trái phiếu mới phát hành với lãi suất cao hơn để kiếm thêm lợi nhuận. Do đó, rủi ro lãi suất sẽ xảy ra nếu có sự thay đổi về lãi suất ảnh hưởng đến các khoản đầu tư có thu nhập cố định.

Hai thành phần của rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất sẽ bao gồm hai thành phần đối lập nhau: Rủi ro giá cả và Rủi ro tái đầu tư. Cả hai rủi ro này đều hoạt động theo hai hướng trái ngược nhau.

Rủi ro về giá có liên quan đến những thay đổi về giá của một chứng khoán do sự thay đổi của lãi suất.

Rủi ro tái đầu tư gắn liền với việc tái đầu tư các dòng tiền thu từ lãi / cổ tức. Khi lãi suất giảm, nhà đầu tư sẽ kiếm được ít lợi nhuận hơn từ việc tái đầu tư các khoản tiền từ lãi trái phiếu hay cổ tức.

Rủi ro giá và rủi ro tái đầu tư diễn ra trái ngược nhau. Nếu rủi ro giá cả là âm, nghĩa là trái phiếu, khoản đầu tư bị giảm giá, thì rủi ro tái đầu tư sẽ dương, tức nhà đầu tư sẽ kiếm thêm được thu nhập trên số tiền tái đầu tư.

Ví dụ, khi lãi suất tăng từ 5% lên 7%, giá trái phiếu đã phát hành sẽ bị giảm tương ứng. Tuy nhiên, lúc này nhà đầu tư đem các khoản tiền lãi đã nhận từ trái phiếu đó đi tái đầu tư với mức lãi suất 7%, nhà đầu tư sẽ thu được nhiều tiền hơn.

Ảnh hưởng của rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất không phải lúc nào cũng xấu. Trên thực tế, biến động của lãi suất sẽ tác động khác nhau đối với người đi vay và người cho vay.

Khi lãi suất tăng, người nắm giữ trái phiếu, hay bên cho vay sẽ gặp bất lợi vì lãi suất tăng sẽ làm ảnh hưởng đến giá trái phiếu như đã đề cập ở trên. Ngược lại, đối với người đi vay trong trường hợp này sẽ được hưởng lợi do chi phí lãi vay sẽ được giữ nguyên theo cam kết ban đầu chứ không tăng theo lãi suất thị trường.

Ngược lại, khi lãi suất giảm, bên đi vay sẽ gặp bất lợi do chi phí lãi vay không được giảm. Điều này cũng có nghĩa rằng bên cho vay sẽ được hưởng lợi khi lãi suất giảm.

Ví dụ về rủi ro lãi suất

Giả sử một nhà đầu tư mua một trái phiếu có thời hạn 5 năm, mệnh giá 100 nghìn đồng với lãi suất 5%/năm. Nghĩa là khi nắm giữ trái phiếu này, nhà đầu tư sẽ được nhận tiền lãi định kỳ tương đương 5.000 đồng / trái phiếu cho đến ngày đáo hạn. 1 năm sau đó, lãi suất tăng lên 6%. Lúc này các trái phiếu mới phát hành với mức lãi suất 6% sẽ cho nhà đầu tư nhiều thu nhập hơn. Do đó nhà đầu tư có xu hướng bán các trái phiếu cũ và mua trái phiếu mới với mức lãi suất cao hơn.