Tín dụng xanh là gì?

...

Tín dụng xanh là khoản vay mà các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.

Tín dụng xanh
💡
Tín dụng xanh là một trong số những giải pháp áp dụng để đối phó với các thách thức môi trường và xã hội của thế giới thông qua các công cụ tài chính.

Tín dụng xanh thường gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững của xã hội - là mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, với hàm lượng phát thải carbon thấp.

Nguồn vốn được sử dụng để cho vay là nguồn vốn “xanh”.

Tín dụng xanh là gì?

Theo Aizawa và Yang (2010), tín dụng xanh là một trong số những giải pháp áp dụng để đối phó với các thách thức môi trường và xã hội của thế giới thông qua các công cụ tài chính.

Có thể hiểu tín dụng xanh (Green Credit) là khoản vay mà các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung.

Thuật ngữ này mới xuất hiện tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, tín dụng xanh đã phát triển từ lâu trên thế giới với các dự án tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng và công nghệ sạch.

Đặc điểm của tín dụng xanh

Về tổng thể, đây là hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại dưới hình thức tiền tệ với các đặc điểm sau:

Là hình thức tài chính phục vụ cho sự phát triển bền vững của xã hội. Tín dụng xanh gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững của xã hội là mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, với hàm lượng phát thải carbon thấp.

Vốn được cấp cho các dự án có yếu tố “xanh”, là các dự án sản xuất, kinh doanh mà không gây rủi ro về môi trường. Các ngân hàng cũng có những tiêu chí nhất định với những dự án loại này.

Ví dụ: đối với doanh nghiệp, các dự án phải chứng minh được tính hiệu quả, minh bạch thông tin, kinh doanh có lợi nhuận, có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ “xanh” tối thiểu một năm, đặc biệt phải chứng minh được đầu ra của sản phẩm. Đối với cá nhân, phải chứng minh được năng lực tài chính, có hồ sơ “sạch”, không có nợ xấu tại ngân hàng.

Nguồn vốn được sử dụng để cho vay là nguồn vốn “xanh”. Các ngân hàng có thể tiếp cận các nguồn vốn này thông qua hợp đồng ủy thác của Ngân hàng Nhà nước, các quỹ hỗ trợ tín dụng xanh hoặc trực tiếp phát hành “trái phiếu xanh” để huy động vốn.

Các sản phẩm tín dụng xanh

Tín dụng xanh hiện được cung cấp dưới các hình thức sau:

Tín dụng xanh song phương: là hình thức tín dụng giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;

Cho vay hợp vốn: là một nhóm ngân hàng tài trợ cho một dự án xanh, trong đó có một ngân hàng đóng vai trò là trung gian xanh, tiến hành quản lý, tập trung các tài liệu liên quan tới khoản vay;

Tín dụng xanh xoay vòng: sản phẩm này chủ yếu tài trợ các hoạt động đầu tư xanh, các dự án xanh;

Tài trợ dự án xanh: sử dụng các dòng tiền dài hạn từ một dự án hoặc một danh mục các dự án làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Các lĩnh vực "xanh"

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng xanh là các dự án được tài trợ vốn đáp ứng các tiêu chí cụ thể đối với các lĩnh vực: Nông nghiệp xanh, lâm nghiệp bền vững, công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế, sử dụng các nguồn tài nguyên, xử lý chất thải và phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường thiên nhiên, công trình xây dựng xanh, giao thông bền vững,…