Vốn pháp định là gì?

...

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật có yêu cầu.

Vốn pháp định
💡
Vốn pháp định do Cơ quan có thẩm quyền ấn định. Mỗi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ có yêu cầu riêng về vốn pháp định.

Hiện nay, yêu cầu về vốn pháp định chủ yếu được ghi trong các văn bản luật chuyên ngành hoặc văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.

Giấy xác nhận về vốn pháp định được cấp cho doanh nghiệp trước khi cấp giấy phép thành lập.

Vốn pháp định là gì?

Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp trong trường hợp pháp luật có yêu cầu. Vốn pháp định do Cơ quan có thẩm quyền ấn định. Mỗi lĩnh vực, ngành nghề khác nhau sẽ có yêu cầu riêng về vốn pháp định.

Ví dụ: Doanh nghiệp muốn kinh doanh các nghiệp vụ chứng khoán thì phải có vốn đã góp tại thời điểm thành lập công ty tối thiểu bằng mức vốn pháp định theo quy định cho từng nghiệp vụ như sau:

  • Môi giới chứng khoán: 25 tỷ đồng Việt Nam;
  • Tự doanh chứng khoán: 100 tỷ đồng Việt Nam;
  • Bảo lãnh phát hành chứng khoán: 165 tỷ đồng Việt Nam;
  • Tư vấn đầu tư chứng khoán: 10 tỷ đồng Việt Nam.

Khái niệm về vốn pháp định đã từng được xuất hiện trong điều 4 luật doanh nghiệp 2005. Theo đó, khoản 7 điều 4 luật doanh nghiệp 2005 quy định: “Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp”. Các quy định về vốn pháp định vẫn được áp dụng dù thuật ngữ này đã không còn xuất hiện trong văn bản Luật Doanh nghiệp hiện hành.

Đặc điểm của vốn pháp định

Vốn pháp định được quy định theo ngành nghề kinh doanh, hay nói cách khác tùy vào ngành, nghề khác nhau sẽ có mức vốn pháp định khác nhau.

Hiện nay, yêu cầu về vốn pháp định chủ yếu được ghi trong các văn bản luật chuyên ngành hoặc văn bản dưới luật như nghị định, thông tư.

Quy định về vốn pháp định có thể được thay đổi tùy thuộc vào các chính sách quản lý điều hành của Chính phủ.

Giấy xác nhận về vốn pháp định được cấp cho doanh nghiệp trước khi cấp giấy phép thành lập.

Những ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định

  1. Kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
  2. Kinh doanh chứng khoán;
  3. Kinh doanh bảo hiểm;
  4. Kinh doanh tái bảo hiểm;
  5. Môi giới bảo hiểm, hoạt động phụ trợ bảo hiểm;
  6. Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài;
  7. Kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm;
  8. Kinh doanh ca-si-nô (casino);
  9. Hoạt động Sở Giao dịch hàng hóa;
  10. Hoạt động phát điện, truyền tải, phân phối, bán buôn, bán lẻ, tư vấn chuyên ngành điện lực;
  11. Xuất khẩu gạo;
  12. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt;
  13. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh;
  14. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng;
  15. Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp;
  16. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
  17. Kinh doanh dịch vụ việc làm;
  18. Kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
  19. Kinh doanh dịch vụ cho thuê lại lao động;
  20. Kinh doanh vận tải biển;
  21. Kinh doanh dịch vụ lai dắt tàu biển;
  22. Nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng;
  23. Kinh doanh vận tải hàng không;
  24. Kinh doanh cảng hàng không, sân bay;
  25. Kinh doanh dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay;
  26. Kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức;
  27. Kinh doanh bất động sản;
  28. Kinh doanh dịch vụ bưu chính;
  29. Kinh doanh dịch vụ viễn thông;
  30. Kinh doanh dịch vụ chứng thực chữ ký số;
  31. Hoạt động của nhà xuất bản;
  32. Hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
  33. Hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam, phân hiệu cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài;
  34. Kinh doanh dịch vụ lữ hành;
  35. Kinh doanh hoạt động thể thao của doanh nghiệp thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp;
  36. Kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, tổ chức thi người đẹp, người mẫu;
  37. Kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;
  38. Kinh doanh dịch vụ lưu trú;
  39. Mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;
  40. Xuất khẩu di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; nhập khẩu hàng hóa văn hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
  41. Kinh doanh dịch vụ bảo tàng;
  42. Kinh doanh trò chơi điện tử (trừ kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài và kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng trên mạng);
  43. Kinh doanh dịch vụ tư vấn điều tra, đánh giá đất đai;
  44. Kinh doanh dịch vụ về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
  45. Kinh doanh dịch vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm của hệ thống thông tin đất đai;
  46. Kinh doanh dịch vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai;
  47. Kinh doanh dịch vụ xác định giá đất;
  48. Kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ;
  49. Kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;
  50. Kinh doanh dịch vụ khoan nước dưới đất, thăm dò nước dưới đất;
  51. Kinh doanh dịch vụ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;
  52. Kinh doanh dịch vụ điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, đề án, báo cáo tài nguyên nước;
  53. Kinh doanh dịch vụ thăm dò khoáng sản;
  54. Khai thác khoáng sản;
  55. Kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại;
  56. Nhập khẩu phế liệu;
  57. Kinh doanh dịch vụ quan trắc môi trường;
  58. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại;
  59. Hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
  60. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô;
  61. Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng;
  62. Cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
  63. Hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức không phải là tổ chức tín dụng;
  64. Kinh doanh vàng.